📞

Tổng thống Indonesia thăm Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình chưa xác nhận dự Thượng đỉnh G20

Việt Hà 14:11 | 27/07/2022
Ngày 26/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 11 tại Bali, Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ngày 26/7 ở Bắc Kinh. (Nguồn: SCMP)

Tổng thống Joko Widodo có chuyến thăm Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình ngày 26/7.

Sau cuộc gặp, hai bên ra tuyên bố chung, trong đó nêu rõ, Tổng thống Widodo mời ông Tập tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali và nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ lời cảm ơn.

Ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc rất ủng hộ cương vị Chủ tịch G20 của Indonesia và hy vọng Indonesia sẽ tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20”.

Tuy nhiên, cho đến nay, Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa xác nhận sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali hay không.

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, cũng như trong tiến trình xây dựng Kế hoạch Hành động 5 năm tiếp theo, nhằm thực hiện Quan hệ Đối tác toàn diện chiến lược Trung Quốc-Indonesia, giai đoạn 2022-2025.

Trong khi đó, theo Hãng thông tấn chính thức Antara, Bộ Biển và nghề cá Indonesia (KKP) và Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã nhất trí tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực hàng hải nhằm thúc đẩy kinh tế của 2 nước.

Bộ trưởng KKP Sakti Wahyu Trenggono bày tỏ hy vọng, sự hợp tác này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải và thủy sản Indonesia – nơi đời sống của người dân đang được cải thiện và hệ sinh thái đang được duy trì.

Hợp tác hàng hải được nêu trong Thỏa thuận Thực hiện (IA) do Bộ trưởng Trenggono và Bộ trưởng Tài nguyên Trung Quốc Vương Quảng Hoa thay phiên nhau ký kết ở Jakarta và ở Bắc Kinh.

Thỏa thuận này bao gồm hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực liên quan hàng hải, quản lý vùng bờ biển, phát triển kinh tế biển xanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Thỏa thuận cũng gồm việc chia sẻ thông tin và kiến thức về hàng hải, bằng cách đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và dạy nghề, cùng tổ chức các hội nghị chuyên đề và hội thảo, đào tạo và trao đổi chuyên gia.

Việc ký kết văn kiện IA giữa KKP và Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã khởi động một chương mới trong hợp tác hàng hải giữa 2 nước sau khi thỏa thuận trước đó hết hiệu lực vào năm 2016.

(theo Kyodo, Antara)