Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden thể hiện Hoa Kỳ và Việt Nam cần nhau và rõ ràng có thể bổ sung cho nhau. |
Xin Đại sứ nhận định về thời điểm của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden? Giữa những bộn bề của Hoa Kỳ và về đối nội lẫn đối ngoại hiện nay, tại sao lại là Việt Nam, thưa Đại sứ?
Trước hết, năm nay đánh dấu mốc kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Rõ ràng, sự phát triển của quan hệ hai nước đã đem lại lợi ích cho cả hai bên và lợi ích cho hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực.
Dù nằm ở hai đầu quả địa cầu nhưng hai bên rất cần nhau, ở cả câu chuyện về kinh tế. Điều này được thể hiện rất rõ qua chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen. Thương mại hai nước liên tục tăng trong 10 năm qua, với mức tăng trung bình mỗi năm từ 17%-19%, kim ngạch thương mại tăng từ 35 tỷ USD lên 123 tỷ USD (tăng gấp bốn lần), qua đó cho thấy hai bên rất cần nhau. Hoa Kỳ cũng cho rằng Việt Nam nằm trong cùng một chuỗi cung ứng với những mắt xích đan xen, hai bên cũng có lợi.
"Hoa Kỳ có những bộn bề, nhưng đối với Việt Nam, hai bên cần nhau và rõ ràng có thể bổ sung cho nhau cũng như có đà quan hệ để nâng lên. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden thể hiện rõ câu chuyện đó". |
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm nay, hai bên đã có nhiều cuộc trao đổi ở các cấp, trong đó đáng chú ý nhất là cái cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden (tháng Ba). Trong cuộc điện đàm này đã có những nội dung rất quan trọng như: Đánh giá quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua đã phát triển tích rất tích cực; phát triển quan hệ là phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước; hai bên khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ song phương và đưa quan hệ này lên một tầm cao mới.
Như vậy, đặt trong bối cảnh đó, sự kiện kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện không chỉ là câu chuyện nhìn lại quan hệ mà còn là định vị cho quan hệ trong thời gian tới phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã được xây dựng trong suốt 28 năm quan hệ ngoại giao và đặc biệt là 10 năm Đối tác toàn diện và trên nền tảng liên tục có trao đổi đoàn cấp cao. Năm nay, hai bên đều trông đợi sẽ nâng cao hơn nữa “tầm” quan hệ giữa hai nước.
Tôi cho rằng, Hoa Kỳ có những bộn bề, nhưng đối với Việt Nam, hai bên cần nhau và rõ ràng có thể bổ sung cho nhau cũng như có đà quan hệ để nâng lên. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden thể hiện rõ câu chuyện đó.
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ, dù thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều thăm Việt Nam. Điều đó nói lên điều gì về vị trí của Việt Nam trong chính sách của cường quốc hàng đầu thế giới, thưa Đại sứ?
Chúng ta có thể thấy rằng nếu xuất phát từ mối quan hệ song phương thì trong suốt quá trình quan hệ ngoại giao, hai bên thường xuyên có các chuyến thăm cấp cao cả từ phía ta lẫn phía Hoa Kỳ. Nhưng để nói rằng từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, các đời tổng thống Hoa Kỳ đều thăm Việt Nam thì cần phải nhấn mạnh một số điểm sau:
Thứ nhất, chắc chắn không thể phủ nhận quan hệ hai nước đã phát triển rất mạnh mẽ và đem lại lợi ích cho hai nước.
Thứ hai là câu chuyện liên quan đến vai trò và vị trí của Việt Nam ở trong khu vực này.
Việt Nam trong gần 40 năm Đổi mới đã tạo ra một Việt Nam mới, có sự phát triển, tham gia hội nhập và là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Về địa chính trị, chúng ta có vai trò rất quan trọng ở khu vực, đặc biệt là trong ASEAN.
Thứ ba, Hoa Kỳ rất cần khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này là động lực của phát triển thế giới, là trung tâm địa chiến lược chuyển dịch từ Tây sang Đông và là khu vực mà cả về an ninh, kinh tế đều rất quan trọng với nước Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ coi trọng chính sách chiến lược, coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì phải coi trọng ASEAN, coi trọng Đông Nam Á và trong đó có Việt Nam.
Thứ tư, dù Hoa Kỳ có thay đổi những chính quyền khác nhau, các đời tổng thống khác nhau, có những ưu tiên khác nhau trong quan hệ quốc tế nhưng có một điểm chung là sự nhất trí ủng hộ mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ (đặc biệt trong 10 năm Đối tác toàn diện) giữa hai đảng Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Cuối cùng, Việt Nam đang hướng tới phát triển một giai đoạn hội nhập mới, theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII hướng tới giai đoạn 2030-2045. Chúng ta đang chuyển đổi rất mạnh về phát triển kinh tế; nhấn mạnh câu chuyện về phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển số và phát triển sạch, điều này song trùng với những lợi ích của Hoa Kỳ và các tập đoàn, công ty Hoa Kỳ.
Thế giới có những sự chuyển động phức tạp nhưng Việt Nam rất nhất quán trong chính sách đối ngoại của mình là hòa bình, ủng hộ hòa bình, ủng hộ độc lập, tự quyết, ủng hộ hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề khó khăn. Chúng ta nhận thấy rằng trong hội nhập quốc tế, Việt Nam là một bộ phận của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ, trong bối cảnh phong tỏa do dịch bệnh Covid-19, nhiều nước trên thế giới rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu sản xuất. Việt Nam là nước cung cấp nguyên vật liệu đáng kể cho sản xuất. Do vậy, vào thời điểm đó, việc đưa vaccine đến hỗ trợ cho Việt Nam được các tập đoàn của Hoa Kỳ rất ủng hộ. Bởi vì, nếu Việt Nam vượt qua được đại dịch cũng có nghĩa rằng chuỗi cung ứng, mắt xích ở Việt Nam được phục hồi trở lại.
Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden diễn ra chỉ 5 tháng sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giữa khoảng thời gian này cũng có nhiều trao đổi cấp cao giữa hai nước. Đại sứ nhận định như thế nào về tâm thế của cả hai bên để nâng tầm quan hệ song phương trước dấu mốc 10 năm Đối tác toàn diện?
Có lẽ chúng ta cần nhìn nhận rất nhiều chiều về điều này.
Một là, hai nước có lợi ích quan hệ với nhau. 10 năm Đối tác toàn diện với những phát triển vượt bậc đã đem lại lợi ích kinh tế cho hai nước.
Hai là, hai nước có những nguyên tắc để chỉ đạo quan hệ, trong đó có nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Ba là, địa chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất quan trọng và Việt Nam là một nhân tố quan trọng đối với hòa bình, hợp tác và phát triển nơi đây. Vậy nên không phải chỉ Hoa Kỳ mà các nước lớn đều cần đến ASEAN, đều cần đến với Việt Nam.
"Tôi cho rằng, chắn chắn chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden trong đà quan hệ và tâm thế như vậy sẽ tạo ra những đột phá, sức bật mới cho quan hệ hai nước trong những thập kỷ tới". |
Đặc biệt, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có sự khác biệt, trong đó có khác biệt về thể chế. Tháng 7/2015, lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Hoa Kỳ hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, ra tuyên bố tầm nhìn. Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đã gửi điện chúc mừng Tổng Bí thư ta được tái nhiệm, tiếp đó là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí Thư và Tổng thống Joe Biden tháng 3 vừa qua. Như vậy câu chuyện ở đây là dù hai nước có khác biệt về thể chế chính trị nhưng có sự sự tôn trọng và công nhận lẫn nhau về chính trị để hợp tác và phát triển.
Tôi cho rằng, chắn chắn chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden trong đà quan hệ và tâm thế như vậy sẽ tạo ra những đột phá, sức bật mới cho quan hệ hai nước trong những thập kỷ tới.
Đại sứ kỳ vọng như thế nào về kết quả của chuyến thăm lần này, trong đó có cả những biện pháp để thúc đẩy hợp tác kinh tế?
Chuyến thăm lần này là dịp kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, do vậy, chắc chắn hai bên sẽ tiếp tục nhấn mạnh những mảng hợp tác đã đạt được cần phải mở rộng và tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa.
Ngoài ra, ai cũng trông đợi đà quan hệ này phải được định hướng phát triển trong thời kỳ tới, một trong những dấu mốc của chuyến thăm lần này có lẽ sẽ là hai nước định danh mối quan hệ làm sao cho phù hợp với đà phát triển đã có, mang cả tính toàn diện lẫn tính chiến lược và để hướng tới tạo đà cho sự phát triển trong những thập kỷ tới tốt hơn.
Song song với đó, hợp tác trong các lĩnh vực là toàn diện và mang tính chiến lược nhưng có lẽ trong thời gian tới có những điều mà chúng ta rất trông đợi, đó là về kinh tế và khoa học kỹ thuật.
Trong cuộc điện đàm của Tổng Bí thư ta với Tổng thống Joe Biden hay trong thông báo gần đây của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta cũng như thông báo của Nhà Trắng về chuyến thăm, có những lĩnh vực sắp tới chắc chắn hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác nhiều hơn.
Trước hết là câu chuyện liên quan đến chuyển đổi số, sử dụng công nghệ sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế và các cái mặt của xã hội. Hoa Kỳ có thế mạnh trong lĩnh vực này trong khi Việt Nam lại có lực lượng, nguyện vọng và mong muốn để phát triển hơn nữa. Tiếp đến là câu chuyện liên quan đến chuyển đổi xanh. Việt Nam đã cam kết sẽ giảm khí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời có những kế hoạch để chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, tất cả điều đó song trùng với chính sách của Hoa Kỳ hiện nay.
Vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Yellen đã cho biết Hoa Kỳ và các đối tác phát triển, các nước phát triển là đối tác của Việt Nam đã xây dựng một khung để vận động được 10,5 tỷ USD cho chuyển đổi xanh, đặc biệt về năng lượng của Việt Nam. Liên quan đến công nghệ phụ trợ và logistics, trong điện đàm của Tổng Bí thư với Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh lĩnh vực hợp tác này.
Chúng ta cũng đang thực hiện những đổi mới rất quan trọng để có thể thúc đẩy nền kinh tế cao hơn ở 3 khâu then chốt: khung chính sách và pháp luật để tạo ra sức bật mới cho phát triển kinh tế; cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Trong thông báo của Nhà Trắng cũng như trong trao đổi của của hai phía trong năm nay đều nhấn mạnh sẽ cùng phát triển về khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh; thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực.
Như vậy, tôi tin rằng chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden sẽ tạo một đà mới cho cả quan hệ về chính trị, ngoại giao và các lĩnh vực khác; tạo ra những đột phá và động lực cho những đột phá về quan hệ kinh tế, đặc biệt là quan hệ kinh tế bền vững và chất lượng cao hơn, dựa vào công nghệ và chuyển đổi xanh. Việt Nam cũng phải tích cực đổi mới để tạo môi trường thuận lợi và tranh thủ được những nguồn tài chính, đầu tư mới từ phía Hoa Kỳ.
Những dấu mốc trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. (Nguồn: Báo TG&VN) |