Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội kiến Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nhân chuyến thăm Kazakhstan tháng 10/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Đại sứ kỳ vọng gì về chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đối với sự phát triển quan hệ song phương? Đâu là những nội dung trọng tâm trong khuôn khổ chuyến thăm lần này?
Trao đổi cấp nhà nước giữa Việt Nam và Kazakhstan lần gần nhất diễn ra từ 11 năm trước khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Kazakhstan vào năm 2012. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, vì vậy, là sự kiện rất được mong đợi, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra sự chuyển biến và động lực mới cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai đất nước.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Kazakhstan đều đạt được những thành tựu quan trọng, tăng trưởng ấn tượng, tích cực phục hồi hậu đại dịch, cũng như tăng cường kết nối trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Kazakhstan Phạm Thái Như Mai. (Ảnh: PH) |
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Kazakhstan sẽ gặp gỡ và hội đàm với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về các biện pháp củng cố và tăng cường quan hệ song phương, những vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Một số văn bản hợp tác song phương sẽ được ký kết trong dịp này, trong đó nổi bật là Hiệp định miễn thị thực cho công dân hai nước và Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại… Đây là những tiền đề cho phát triển hợp tác song phương trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là du lịch và giao lưu nhân dân.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn của hai nước đang chuẩn bị ký kết những thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực đi đầu như: vận tải hàng hóa, logistics, viễn thông tin học, vận chuyển đường sắt và dầu khí.
Lãnh đạo Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev từng khẳng định: “Kazakhstan quyết tâm tạo bước đột phá trong tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương với Việt Nam, trọng tâm là kinh tế”. Theo Đại sứ, tiền đề nào sẽ giúp hợp tác kinh tế song phương có thể bứt phá trong thời gian tới?
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Kazakhstan luôn được củng cố và phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây. Bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 622.8 triệu USD năm 2021 và 584 triệu USD năm 2022. Hai bên cùng đặt ra mục tiêu 1.5 tỷ USD kim ngạch hai chiều tới năm 2030. Từ tháng 10/2022, hãng hàng không Vietjet đã mở đường bay thẳng nối Nha Trang với hai thành phố Almaty và Astana, tần suất 4 chuyến/tuần, hiệu suất vận chuyển tốt. Hiện tại, Vietjet đang có kế hoạch tăng chuyến bay hành khách và vận chuyển hàng hóa cargo giữa hai nước.
Có thể nói, tiền đề cho những bước phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam-Kazakhstan trước hết xuất phát từ tình hữu nghị truyền thống, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử của thời kỳ Liên xô cũ. Các thế hệ lãnh đạo hai nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Kazakhstan Kunayev đã dày công xây dựng và vun xới.
Bên cạnh đó, trong gần 40 năm sự nghiệp Đổi Mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế quan trọng, là điểm sáng phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Kazakhstan là nước đầu tàu ở khu vực Trung Á, có vị trí chiến lược nằm trên Con đường tơ lụa ngày xưa và cũng là điểm kết nối quan trọng về giao thông vận tải và logistics nối Á-Âu ngày nay. Từ năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Tokayev, đất nước Kazakhstan tiến hành nhiều cải cách mạnh mẽ hướng đến việc xây dựng một Kazakhstan mới dân chủ, công bằng.
Chúng ta có nhiều điểm tương đồng, các tiềm năng và thế mạnh bổ sung cho nhau. Việt Nam với Kazakhstan luôn ủng hộ và đồng thuận với nhau trên các diễn đàn quốc tế. Kazakhstan là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do với EAEU, hai bên có thể tận dụng những ưu đãi mà Hiệp định đem lại cho doanh nghiệp hai nước.
Theo Đại sứ, để đạt được mục tiêu thương mại song phương lên 1,5 tỷ USD vào năm 2030, chính phủ và doanh nghiệp hai nước cần có những ưu tiên như thế nào?
Xét về tổng thể, hiện nay, hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Tuy nhiên, điều mà chúng ta có thể đặt hy vọng là hợp tác song phương đang có những bước chuyển quan trọng, dư địa hợp tác vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của hai nước như dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, vận tải, logistics, kinh tế số…
Sau khi khai trương đường bay thẳng Việt Nam-Kazakhstan, các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp tiếp tục tích cực kết nối các cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Kazakhstan. Cụ thể là, kết nối vận chuyển đường sắt, hậu cần kho bãi, thanh toán ngân hàng, huy động vốn, liên lạc số… Căn cứ vào nhu cầu trao đổi hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước thời gian qua, có khẳng định mục tiêu thương mại hai chiều như trên không phải là khó thực hiện.
"Căn cứ vào nhu cầu trao đổi hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước thời gian qua, có khẳng định mục tiêu thương mại hai chiều 1,5 tỷ USD vào năm 2030 không phải là khó thực hiện". |
Để đẩy nhanh quá trình này, ngoài việc thực hiện tốt các thỏa thuận đã được ký kết, chúng ta cần tăng cường công tác khảo sát, nghiên cứu, nắm bắt cơ hội; tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hàng hóa của hai nước có thể xâm nhập vào thị trường của nhau; thúc đẩy vốn đầu tư trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, thủy hải sản, dệt may, da giày, bất động sản, hạ tầng cơ sở… cũng như phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong thương mại, đầu tư, góp phần tạo lập môi trường lành mạnh, hiệu quả cho thu hút vốn đầu tư.
Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Kazakhstan trong hơn 30 năm qua luôn được hai bên vun đắp. Đại sứ có thể chia sẻ về những nỗ lực giao lưu nhân dân trong thời gian qua để gắn kết hơn nữa nhân dân hai nước?
Tháng 7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã có chuyến thăm tới Kazakhstan. Khi xem lại những thước phim tài liệu, những hiện vật, sách vở… về chuyến thăm lịch sử này, chúng ta sẽ nhận ra nhiều điều thú vị và cảm động về tình hữu nghị ấm áp, thủy chung đã tồn tại lâu đời giữa hai dân tộc, tình cảm quý trọng và yêu mến mà nhân dân và lãnh đạo Kazakhstan dành cho Bác Hồ và Việt Nam.
Quan hệ tốt đẹp được các thế hệ lãnh đạo hai nước đặt nền móng và dày công vun đắp vẫn còn tiếp tục lưu giữ đến ngày hôm nay. Năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ tới Kazakhstan, dự án đặt tên một con đường là đường Hồ Chí Minh tại thành phố Almaty, thủ đô cũ nơi Bác Hồ đã đến thăm đang được hai bên tích cực xúc tiến thực hiện.
Trong những năm qua, Đại sứ quán Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng trong nước vẫn thường xuyên quan tâm và có hành động thiết thực tri ân đối với những công dân Kazakhstan từng sang giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do trước đây và trong xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, tuyên truyền về đất nước, con người Việt Nam và Kazakhstan được thực hiện như: tổ chức Tuần phim Kazakhstan tại Việt Nam; nghệ sĩ và các vận động viên Việt Nam tham gia biểu diễn nghệ thuật, liên hoan xiếc hàng năm tại Kazakhstan; các giải thể thao về điền kinh, vật, cờ quốc tế, thể dục nghệ thuật trẻ em, dịch và xuất bản sách sang tiếng địa phương… Nghệ sĩ Bùi Công Duy đã được trao danh hiệu Giáo sư danh dự của Trường ĐH Nghệ thuật Astana. Mới đây, phóng viên Việt Nam đã giành chiến thắng trong cuộc thi "Kazakhstan qua con mắt của thông tin đại chúng nước ngoài".
Cùng với những bước phát triển tích cực trong quan hệ chính trị, ngoại giao Việt Nam-Kazakhstan, giao lưu nhân dân giữa hai nước đang ngày càng rộng mở và có chiều sâu, đưa người dân hai nước xích lại gần nhau, đóng góp tích cực vào tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Kazakhstan, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.