Trong thư gửi Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Trump đã đề nghị chi 7,85 tỷ USD để phục vụ cho hoạt động cứu trợ và công tác tái thiết ban đầu sau thảm họa. Trước đó, Cố vấn An ninh nội địa của Nhà Trắng Tom Bossert cho biết những yêu cầu cấp viện trợ sẽ được xem xét theo từng giai đoạn sau khi cập nhật và đánh giá những thiệt hại mới nhất mà cơn bão gây ra.
Ước tính lần này, ngân sách chính phủ sẽ phải chi một khoản tương đương 110,2 tỷ USD đã chi cơn cho bão lịch sử Katrina hồi năm 2005, khi mà con số thiệt hại đang ngày càng tăng cao. Nhiều nghị sĩ cho rằng khoản chi để khắc phục hậu quả của bão Harvey sẽ không dưới 125 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đi qua bản đồ thành phố Houston trong một buổi họp thông báo về các thiệt hại sau cơn bão Harvey. (Nguồn: Reuters) |
Ảnh hưởng lớn đến hoạt động lọc dầu
Nhằm đối phó với ảnh hưởng của bão Harvey, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã nhất trí nâng mức trích xuất dầu thô từ 1 triệu thùng lên 4,5 triệu thùng từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược nhằm đối phó với những tác động của bão Harvey. Trước đó, DOE đã chuyển từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược 400.000 thùng dầu thô ngọt nhẹ và 600.000 thùng dầu thô chua tới nhà máy lọc dầu Phillips 66 tại hồ Charles, bang Louisiana. Đây là nhà máy không bị ảnh hưởng bởi siêu bão Harvey.
Siêu bão Harvey đổ bộ vào bang Texas và sau đó là bang Louisiana tới nay đã cướp đi sinh mạng của khoảng 50 người và gây thiệt hại lên tới hàng chục tỷ USD. Cơn bão gây lũ lụt trên diện rộng đã làm ngưng trệ hoạt động lọc dầu, khiến công suất lọc dầu của các nhà máy tại Mỹ giảm gần 25%, tương đương với ít nhất 4,4 triệu thùng/ngày. Điều này làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nhiên liệu trước ngày lễ Lao động của Mỹ (thứ 2 đầu tiên của tháng 9) và giảm nhu cầu đối với dầu thô.
Giới phân tích nhận định những thiệt hại và sự đình trệ do cơ bão này gây ra có thể khiến ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ khó có thể đạt được mức mục tiêu sản xuất 10 triệu thùng/ngày, qua đó đe dọa thị phần của Mỹ trên thị trường quốc tế so với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Một trạm xăng Exxon Mobil ở thành phố Houston bị ngập sau cơn bão Harvey. (Nguồn: Bloomberg) |
Một tuần sau khi siêu bão Harvey càn quét, ngày 1/9, người dân thành phố Houston, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã bắt đầu trở về nhà để đánh giá thiệt hại, cũng như hy vọng có thể vớt vát được những tài sản có giá trị còn sót lại. Tuy nhiên, các nhà chức trách cảnh báo nguy hiểm vẫn còn hiện hữu tại các thị trấn lân cận như Beaumont và Port Arthur dù nước đã tạm thời rút xuống.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho biết hiện vẫn còn một số khu vực trong tình trạng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh nước sông Neches tiếp tục dâng cao khoảng hơn 2m so với kỷ lục được ghi nhận. Ông cũng cho biết hiện chính quyền bang đang nỗ lực triển khai các bước đi cần thiếp cho công tác cứu hộ cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại các thành phố không bị gián đoạn.
Nhiều hệ quả sau bão
Bên cạnh những mối lo về thiệt hại, giới chức Mỹ cũng đang quan ngại về những vụ nổ tại các nhà máy hóa chất bị ngập sâu trong nước dó ảnh hưởng của bão Harvey. Theo thông tin mới nhất, trong ngày 1/9 cũng đã xảy ra một vụ nổ mới ở nhà máy hóa chất Arkema SA trên địa bàn thị trấn Crosby, khi một chiếc xe tải trữ hóa chất đã phát nổ.
Trước đó, cũng tại nhà máy này đã xảy ra 2 vụ nổ, làm dẫy lên lo ngại về nguy cơ sức khỏe. Công ty chủ quản đã sơ tán các công nhân làm việc tại nhà máy này từ hôm 29/8, trong khi chính quyền hạt Harris đã yêu cầu cư dân sinh sống trong khu vực bán kính 2,4km quanh nhà máy phải sơ tán.
Thông tin từ hiện trường cho thấy vẫn còn 8 chiếc xe tải khác trữ các hóa chất cùng loại cũng đang có nguy cơ phát nổ.
Nhà máy hóa chất Arkema ngập sâu trong nước lũ. (Nguồn: AP) |
Trước mối nguy hiểm trên, các nhóm bảo vệ môi trường và các nhà nghiên cứu cho rằng các vụ nổ và rò rỉ hóa chất tại nhà máy ở Texas cho thấy sự cần thiết phải áp đặt thêm quy định và tăng cường giám sát những cơ sở công nghiệp.
Theo bà Gretchen Goldman, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học và Dân chủ, những vụ nổ tại nhà máy ở Crosby đã phản ánh các chính sách an toàn hóa chất không hợp lý, và những công ty kiểu này cần phải công khai thông tin các hóa chất được lưu trữ tại các nhà máy cũng như tuân thủ công tác giám sát chặt chẽ hơn nữa. Bà cũng cho rằng việc công khai thông tin hóa chất cũng sẽ cho phép các lực lượng phản ứng khẩn cấp như lính cứu hỏa thực hiện nhiệm vụ an toàn và hiệu quả hơn.