Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng tạm quyền Israel Yair Lapid trong cuộc đối thoại ngày 14/7. (Nguồn: AP) |
Hành trình tại Trung Đông kéo dài 4 ngày (13-16/7) đánh dấu chuyến thăm khu vực đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ khi nhậm chức, đồng thời cũng là cơ hội để Washington hiện thực hóa các ưu tiên đối ngoại với địa bàn này.
Các chặng dừng chân của ông chủ Nhà Trắng là Tel Aviv (Israel), Đông Jerusalem và Bethlehem (khu vực Palestine kiểm soát) cùng Jeddah (Saudi Arabia). Đây là ba địa điểm đóng vai trò đặc biệt quan trọng với chính sách của Mỹ với khu vực. Ngoài ra, lịch trình làm việc tại những nơi này cũng phản ánh rõ các thứ bậc ưu tiên trong chính sách khu vực của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Khi “đảo ngược” vẫn là lời hứa
Trong quá trình tranh cử Tổng thống, ông Joe Biden đã nhiều lần công khai chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận Trung Đông của ông Donald Trump và tuyên bố cứng rắn rằng sẽ “đảo ngược” cách tiếp cận đó. Tuy nhiên, “nói dễ, làm khó”.
Hơn 18 tháng sau khi tiếp quản Nhà Trắng, song những gì chính sách Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden để lại với giới quan sát chỉ là hình ảnh hỗn loạn tại Afghanistan khi quân đội Mỹ đột ngột được lệnh rút đi và những nỗ lực tái can dự song thiếu hiệu quả thông qua các vòng đàm phán gián tiếp với Iran.
Trong quá trình tranh cử Tổng thống, ông Joe Biden đã nhiều lần công khai chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận Trung Đông của ông Donald Trump và tuyên bố cứng rắn rằng sẽ “đảo ngược” cách tiếp cận đó. Tuy nhiên, “nói dễ, làm khó”. |
Kiên trì giữ kênh đối thoại không chính thức nhằm tìm giải pháp khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử, hay Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), song cả Washington lẫn Tehran đều đang tiến gần tới quan điểm cho rằng các điều khoản trong JCPOA không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Vì vậy, dù mục tiêu cuối cùng của Washington là ngăn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân, song chính quyền của ông Biden được cho là không thật sự “mặn mà” với vấn đề này. Mỹ chỉ dùng Iran làm nhân tố đòn bẩy để tập hợp lực lượng, phục vụ cho mục tiêu lớn hơn là xây dựng cấu trúc an ninh do nước này dẫn dắt, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực.
Kết quả hạn chế
Trước hết, ông Joe Biden chọn Israel là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du khu vực nhằm “khẳng định cam kết không thể lay chuyển của Mỹ với an ninh của Israel”, tạo khác biệt với người tiền nhiệm đảng Dân chủ Barack Obama khi tới Ai Cập và bỏ qua Israel trong chuyến thăm khu vực đầu tiên.
Đồng thời, để giữ cam kết điều chỉnh cách tiếp cận của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với Palestine, ông Joe Biden đã quyết định tới thăm khu vực Bờ Tây và hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, cũng như công bố khoản hỗ trợ 100 triệu USD cho các cơ sở y tế của người Palestine tại khu vực.
Tuy nhiên, nội dung các cuộc gặp và hoạt động khác của ông Biden tại Israel và Palestine cho thấy chuyến thăm mang tính biểu tượng chính trị hơn là đem lại kết quả thực chất cho các vấn đề cốt lõi của khu vực, đặc biệt đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông.
Dù nhắc lại quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước, song Tổng thống Joe Biden lại hoàn toàn tránh đề cập việc công nhận Jerusalem là thủ đô Palestine.
Thái tử Mohammad Bin Salman phản ứng mạnh trước vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi ngay trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/7. (Nguồn: Reuters) |
Saudi Arabia là chặng dừng chân được trông chờ nhất chuyến thăm. Bởi lẽ, các nhà phân tích dự đoán Washington sẽ cố gắng cải thiện quan hệ với Riyadh. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể bỏ qua lập trường về nhân quyền, không nêu vụ nhà báo Jamal Khashoggi với Thái tử Mohammed Bin Salman để đạt lợi ích cấp thiết hiện nay là thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu, duy trì ổn định nguồn cung nhiên liệu trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trái với các dự đoán này, Tổng thống Mỹ đã nêu lại hồ sơ vụ việc và gặp phản ứng mạnh từ phía Thái tử Saudi Arabia ngay trong cuộc gặp.
Sau đó, tại cuộc họp với lãnh đạo 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), với vai trò là lãnh đạo của nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, chính ông Mohammed Bin Salman đã không chấp nhận đề nghị của ông Joe Biden. Thái tử Saudi Arabia còn cho rằng các chính sách năng lượng phi thực tế hiện nay chỉ khiến quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn hơn.
Tập hợp lực lượng sôi động
Dù chưa thể hiện thực hóa ưu tiên đối ngoại với Trung Đông, song chuyến thăm cũng giúp Mỹ bước đầu triển khai mục tiêu chiến lược lâu dài để cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc tại đây thông qua tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của Nhóm I2U2 (Ấn Độ, Israel, Mỹ và UAE).
Nhóm I2U2 được giới phân tích chính sách xem là Bộ tứ chiến lược mới của Mỹ để đối trọng với tập hợp lực lượng do Nga và Trung Quốc dẫn dắt tại khu vực - trong đó có nhóm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Pakistan đang hình thành.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến I2U2 ngày 15/7. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo Iran đang cung cấp “hàng trăm” máy bay không người lái (UAV) cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine.
Quan trọng hơn, chỉ ít ngày sau khi ông Joe Biden thăm Trung Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới Iran tuần này để tham dự Thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, thảo luận về tiến trình hòa bình tại Syria cùng các vấn đề an ninh khu vực khác.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden sẽ cần nhiều hơn là những chuyến thăm để khôi phục và củng cố niềm tin của đồng minh cùng đối tác nhằm xây dựng cấu trúc an ninh do Washington dẫn dắt tại Trung Đông.