Hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump và bà Kamala Harris, dường như đồng quan điểm trong vấn đề Trung Quốc. (Nguồn: AP) |
Mối bận tâm chung
Khi cuộc đua giành chức tổng thống tại Mỹ đang nóng lên, hai ứng cử viên - bà Kamala Harris và ông Donald Trump - đã đụng độ về một loạt vấn đề. Cho dù đó là vấn đề nhập cư, quyền sinh sản hay chi tiêu xã hội, cả hai đều tìm cách tập hợp các cơ sở của mình bằng cách tấn công lẫn nhau về những gì họ coi là mối quan tâm chính của cử tri.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà họ dường như đồng quan điểm - Trung Quốc. Mặc dù hai ứng viên có tầm nhìn khác nhau về cách theo đuổi chính sách của Mỹ đối với quốc gia đang thách thức vị thế của Washington trên trường quốc tế, nhưng họ dường như đồng ý rằng đó là một đối trọng cần phải được kiềm chế.
Vậy hai ứng viên đề xuất thực hiện điều đó như thế nào?
Phó Tổng thống Harris dường như tiếp tục theo đuổi các chính sách của Tổng thống Joe Biden. Bà sẽ tìm cách tăng cường quan hệ đối tác an ninh lâu đời của Mỹ ở châu Á bằng cách thiết lập các liên minh kinh tế, đồng thời vung "cây gậy lớn" chống lại những kẻ tìm cách vi phạm lệnh trừng phạt của Washington ngay cả ở các quốc gia đối tác.
Nữ Phó Tổng thống Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy "giảm rủi ro" khỏi Trung Quốc, một chính sách di dời ngành sản xuất ra khỏi lãnh thổ quốc gia Đông Bắc Á mà chính quyền ông Biden đã triển khai, như một điều có thể mang lại lợi ích cho các nước thứ ba.
Đảng Dân chủ cũng muốn đưa Đạo luật CHIPS và Giảm lạm phát (nhằm thúc đẩy sản xuất vi mạch trong nước và năng lượng sạch) không chỉ vào trọng tâm chương trình nghị sự trong nước mà còn vào việc khôi phục việc làm và các ngành công nghiệp, được cho là đã bị Bắc Kinh "đánh cắp".
Ngược lại, cựu Tổng thống Donald Trump tăng gấp đôi sức mạnh của khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" trong các chiến dịch tranh cử và thậm chí còn đi xa hơn. Chính sách kinh tế rộng hơn của ông dựa trên việc quay trở lại áp dụng mức thuế quan rộng rãi theo kiểu thế kỷ XIX đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào nước Mỹ, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc.
Chính bằng việc thông qua các chính sách này mà ông đã tác động đáng kể đến chính sách địa kinh tế của Mỹ. Ngày nay, không có phe phái nào của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa kêu gọi tích cực hợp tác với Bắc Kinh.
Chương trình nghị sự ủng hộ thương mại tự do đã thống trị cả hai bên trong 25 năm giữa thời điểm Liên Xô sụp đổ và ông Trump lên nắm quyền đã bị bỏ qua một cách lặng lẽ. Các chiến dịch của cả ông Trump và bà Harris đều đưa ra những tầm nhìn chiến thuật tuy khác nhau nhưng về cùng một chiến lược, đó là bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ bằng cách thúc đẩy việc tách khỏi Trung Quốc.
Khi Nga “chen” vào giữa
Tuy nhiên, cả hai đều không xem xét đến thực tế rằng một nước Nga đang ngày càng mạnh mẽ cũng là mối đe dọa đối với trật tự kinh tế quốc tế do Washington thống trị và việc đối đầu với cả Bắc Kinh và Moscow cùng một lúc sẽ là hành động không khôn ngoan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Astana, Kazakhstan, ngày 3/7/2024. (Nguồn: Sputnik/AP) |
Mỹ phải thừa nhận rằng Trung Quốc quan trọng hơn nhiều về mặt kinh tế đối với các quốc gia bị cuốn vào cuộc cạnh tranh toàn cầu này, bao gồm cả các đồng minh. Điều này đúng với Gruzia và Kazakhstan - hai quốc gia không chấp nhận chế độ trừng phạt của phương Tây đối với Moscow nhưng đã tuân thủ một số quy định này, cũng như đối với Đức và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), những nước mà đối với họ, Bắc Kinh là đối tác thương mại quan trọng như Washington.
“Hành lang giữa” của thương mại Á-Âu mà phương Tây tìm cách thúc đẩy để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga trong khu vực sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có sự tham gia của Trung Quốc. Hơn nữa, việc gây sức ép quá mức với Bắc Kinh có nguy cơ gây ra phản ứng dữ dội, có thể làm suy yếu hoặc thậm chí đảo ngược một số tiến bộ đã đạt được trong việc kiềm chế chương trình nghị sự địa kinh tế của Moscow.
Điều quan trọng ở đây là phải chỉ ra sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc - quốc gia láng giềng hùng mạnh. Kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine (tháng 2/2022), Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Bắc Kinh cũng là nhà cung cấp quyền tiếp cận các thị trường quốc tế cho Moscow (vốn bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây), với việc tạo điều kiện để các công ty Nga sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong giao dịch với doanh nghiệp ở các châu Mỹ Latinh, Á và Phi.
Tuy nhiên, bất chấp các lệnh trừng phạt ngày càng leo thang dưới thời chính quyền ông Biden đối với thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh dường như vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận tầm nhìn của Moscow về trật tự thế giới.
Trung Quốc được cho là đã “miễn cưỡng thách thức” trực tiếp các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga hoặc thúc đẩy mạnh mẽ một khối tiền tệ mới để nhằm “hạ bệ” sự thống trị của đồng USD.
Ví dụ, các ngân hàng Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể việc giao dịch Nhân dân tệ cho các đối tác Nga sau khi Mỹ gia tăng các mối đe dọa trừng phạt thứ cấp. Chính các phương tiện truyền thông Nga cũng đã lưu ý thách thức này.
Ngay cả đối với các dự án kinh tế quan trọng, chẳng hạn như xây dựng đường ống dẫn khí đốt lớn mới giữa Nga và Trung Quốc có tên Power of Siberia 2, Bắc Kinh vẫn không cam kết quá mức. Mặc dù đã nhất trí về nguyên tắc, chỉ vài tuần trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine, đến nay, không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán xung quanh việc phát triển dự án. Mông Cổ, nơi đường ống dự kiến đi qua, gần đây đã chỉ ra rằng họ không mong đợi dự án sẽ hoàn thành trong 4 năm tới.
Nếu tổng thống Mỹ tiếp theo quyết định tiến hành một cuộc chiến kinh tế trên hai mặt trận, với cả Nga và Trung Quốc, điều này sẽ đẩy Bắc Kinh tiến gần hơn đến lập trường của Moscow. Hiện tại, Trung Quốc tự coi là trung tâm hợp pháp của trật tự kinh tế quốc tế mới nổi, thay thế Mỹ. Ngược lại, Nga tin rằng trật tự kinh tế quốc tế hiện tại nên bị phá hủy.
Trong khi nền kinh tế Nga chưa có cơ hội trở thành một cường quốc như Mỹ thì Trung Quốc chắc chắn là đối thủ cạnh tranh lớn của cả phương Tây và Washington.
Việc theo đuổi hợp tác gia tăng với Trung Quốc ngay bây giờ có ý nghĩa hơn, hoặc ít nhất là cố gắng đảm bảo sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho Nga ở mức hạn chế nhất có thể. Logic này sẽ đúng ngay cả với những tiếng nói cứng rắn nhất của Mỹ về Trung Quốc - việc chưa tập trung vào Nga sẽ giúp Mỹ và các đồng minh ở một vị thế mạnh hơn nhiều để cạnh tranh với Trung Quốc trong tương lai.
(*) Maximilian Hess là thành viên của Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại (Foreign Policy Research Institute) có trụ sở tại Philadelphia, Mỹ.