Quyết định được các nghị sĩ thuộc các bang có nền nông nghiệp mạnh của Mỹ hoan nghênh này có thể đánh dấu sự thay đổi 180 độ của Tổng thống Trump khi chính ông là người phản đối TPP trong chiến dịch tranh cử và đã rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại này ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ năm ngoái.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 12/4, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters cho biết chỉ thị mới của ông Trump nhất quán với các tuyên bố của ông trước đó.
Bà Walters nói: "Năm ngoái, Tổng thống đã giữ lời hứa rút khỏi TPP... bởi thỏa thuận này không công bằng với các công nhân và nông dân Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định rằng luôn để ngỏ với một thỏa thuận tốt hơn.
Tổng thống Mỹ xem xét khả năng tái gia nhập TPP. (Nguồn: AFP) |
Trong bối cảnh đó, ông đã yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế hàng đầu Larry Kudlow "xem xét có thể thương lượng một thỏa thuận tốt hơn hay không".
Trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, ông Trump thường xuyên bày tỏ sự không hài lòng đối với các thỏa thuận thương mại đa phương, trong đó bao gồm cả TPP và Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) có tuổi đời 24 năm vốn đang phải đàm phán lại giữa Mỹ với Canada và Mexico.
Tuy vậy, tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng Một vừa qua tại Davos (Thụy Sỹ), ông Trump nói rằng ông chuẩn bị bước vào các cuộc đàm phán với các nước TPP theo hình thức cả riêng lẻ lẫn theo nhóm.
TPP từng bao gồm 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn tiếp tục thỏa thuận này và đổi tên thỏa thuận thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3 vừa qua.