📞

Tổng thống Pháp Macron sẵn sàng 'mở tranh luận' về phòng thủ hạt nhân châu Âu

09:47 | 28/04/2024
Theo AFP, trong cuộc phỏng vấn công bố ngày 27/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sẵn sàng “mở cuộc tranh luận” về vai trò của vũ khí hạt nhân trong hệ thống phòng thủ chung của châu Âu.
Tổng thống Pháp Macron đã nhiều lần lập luận về sự cần thiết của chiến lược quốc phòng do châu Âu dẫn đầu. (Nguồn: AFP)

Đây chỉ là bài phát biểu mới nhất trong một loạt bài phát biểu trong những tháng gần đây, trong đó ông nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược quốc phòng do châu Âu dẫn đầu.

Trả lời phỏng vấn với tập đoàn báo chí khu vực EBRA, ông Macron nói: “Tôi sẵn sàng mở ra cuộc tranh luận này, trong đó phải bao gồm khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng tầm xa và vũ khí hạt nhân với những người sở hữu chúng hoặc những người sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ. Chúng ta hãy đưa ra tất cả ra thảo luận và xem điều gì thực sự bảo vệ chúng ta một cách đáng tin cậy”.

Nhà lãnh đạo Pháp lưu ý nước này sẽ “duy trì tính đặc thù của mình nhưng sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho việc bảo vệ châu Âu”.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện hôm 26/4 trong chuyến thăm Strasbourg.

Sau khi Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), Pháp là thành viên duy nhất trong khối sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình. Pháp từ lâu đặt mục tiêu xây dựng chính sách phòng thủ chung châu Âu, nhưng ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối của các nước EU khác, những người coi sự bảo vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là đáng tin cậy hơn.

Tuy nhiên, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và khả năng ông Donald Trump trở lại làm tổng thống Mỹ đã mang lại sức sống mới cho những lời kêu gọi châu Âu có quyền tự chủ quốc phòng lớn hơn.

Ông Macron kêu gọi lục địa này áp dụng chiến lược phòng thủ “đáng tin cậy” ít phụ thuộc vào Mỹ. Theo ông, đáng tin có nghĩa là có tên lửa tầm xa để can ngăn người Nga.

Ông nói thêm: “Sau đó là vũ khí hạt nhân: Học thuyết của Pháp là chúng tôi có thể sử dụng chúng khi lợi ích sống còn của chúng tôi bị đe dọa. Tôi đã nói rằng có một khía cạnh châu Âu đối với những lợi ích sống còn này”.