Tổng thống Nga lạc quan về tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. (Nguồn: Getty Images) |
Phát biểu tại cuộc họp của Ban giám sát Cơ quan sáng kiến chiến lược, theo Tổng thống Nga, nước này đã đối phó hiệu quả với các mối đe dọa đối với nền kinh tế và trong một số lĩnh vực sản xuất nhất định.
Tình hình kinh tế Nga đã có sự thay đổi lớn sau khi nổ ra xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022, khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến các ngân hàng lớn nhất bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, việc tiếp cận công nghệ và khả năng xuất khẩu bị hạn chế.
Trong khi Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nga thừa nhận có những khó khăn, nền kinh tế nước này được cho là vẫn vững và các biện pháp trừng phạt đã tác động ngược trở lại đối với phương Tây, khiến lạm phát và giá năng lượng tăng.
Tổng thống Putin còn cho rằng, các thương hiệu trên toàn cầu đang chịu tổn thất nặng nề sau khi đồng loạt rút khỏi thị trường Nga.
Ông nhấn mạnh: "Việc rời khỏi thị trường Nga do áp lực từ chính phủ của họ, đồng nghĩa với việc đánh mất thị trường này, nên họ chịu tổn thất lớn. Các thương hiệu quốc tế rút khỏi Nga nhưng đã để lại cơ sở hạ tầng và nhân viên được đào tạo bài bản, trong khi các công ty và doanh nhân trong nước có thể tiếp nhận các doanh nghiệp này, theo đó có những cơ hội đặc biệt để phát triển".
Theo Tổng thống Putin, các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng quy mô sản xuất và hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu nước Nga khẳng định, kinh tế Nga trong năm 2022 không tăng trưởng âm đến mức 2 con số như những dự báo ban đầu, nhưng các nhà phân tích nhận định sẽ giảm 2% trong năm 2023, sau khi ước giảm 2,5% trong năm 2022.
* Ngày 10/2, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố, hiện có nguy cơ sản lượng dầu của nước này sụt giảm trong năm nay, do chịu sức ép từ lệnh cấm vận của EU cũng như quyết định của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp giá trần dầu từ Nga. Phó Thủ tướng Novak khẳng định sẽ đánh giá tình hình trong tương lai gần.
Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, ông Novak cho hay, Nga sẵn sàng cắt giảm 5-7% sản lượng dầu vào đầu năm 2023 như một biện pháp đáp trả việc phương Tây áp giá trần đối với dầu thô của Nga.
Hôm 5/2 vừa qua, các hạn chế của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga có hiệu lực, qua đó áp giá trần 100 USD/thùng đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay và xăng từ Nga, cũng như mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu khác như nhiên liệu sử dụng trong công nghiệp.