Tổng thống Putin ký sắc lệnh mở đường trả đũa phương Tây, vạch quy trình tịch thu tài sản Mỹ. (Nguồn: TASS) |
Sắc lệnh này cho phép Ủy ban chính phủ Nga phụ trách bán tài sản nước ngoài xác định các tài sản có liên quan, đồng thời chỉ rõ các quyết định bồi thường sẽ được đưa ra tại tòa án.
Theo sắc lệnh, ngoài chứng khoán, còn có thể bị tịch thu bất động sản, tài sản có thể di dời và quyền tư hữu.
Ông Putin ký sắc lệnh vạch quy trình tịch thu tài sản Mỹ bị đóng băng ở Nga để bù đắp thiệt hại do lệnh trừng phạt từ phương Tây gây ra.
"Tài sản Mỹ tại Nga có thể bị tịch thu để bù đắp thiệt hại cho chính phủ hoặc ngân hàng trung ương Nga", theo nội dung sắc lệnh công bố trên Cổng thông tin chính phủ Nga hôm nay.
Các công ty Nga cũng có thể đệ đơn đề nghị tòa án xác định xem tài sản của họ có bị Mỹ tịch thu vô lý hay không và yêu cầu bồi thường.
Tòa án sau đó ra lệnh bồi thường bằng tài sản Mỹ từ danh sách do ủy ban chính phủ về kiểm soát đầu tư nước ngoài thiết lập. Sắc lệnh liệt kê tài sản có thể bị tịch thu là cổ phần, chứng khoán mà nhà đầu tư Mỹ nắm giữ tại công ty Nga, bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ.
"Chính phủ Liên bang Nga trong 4 tháng cần đảm bảo đưa ra các thay đổi về luật pháp để thực thi sắc lệnh này", theo nội dung sắc lệnh.
Động thái diễn ra trong bối cảnh các nước G7, đang cân nhắc sử dụng tài sản Nga bị đóng băng ở nước ngoài để viện trợ Ukraine. Theo đó, Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm G7, gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada, sẽ tập trung tại thị trấn Stresa, Italy trong hai ngày 24-25/5.
Các nhà đàm phán của G7 đã thảo luận trong nhiều tuần về cách tốt nhất để tận dụng tài sản bị đóng băng của Nga chẳng hạn như các loại tiền tệ chính và trái phiếu chính phủ, trị giá khoảng 300 tỷ USD. sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Mỹ đang thúc đẩy việc tìm cách tận dụng nguồn thu nhập tương lai từ những tài sản đó, thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc có nhiều khả năng là cấp cho Ukraine khoản vay lên tới 50 tỷ USD trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, một số quan chức cho biết nhiều khía cạnh pháp lý và kỹ thuật cần được giải quyết, nghĩa là một thỏa thuận chi tiết dự kiến chưa thể đạt được ở Stresa. Trong trường hợp đó, các cuộc hội đàm không chính thức sẽ tiếp tục diễn ra để đưa ra một đề xuất cho các nhà lãnh đạo thuộc G7 tại cuộc họp ở Puglia, miền Nam Italy, vào ngày 13-15/6.