📞

Tổng thống Putin: Nga vẫn mạnh hơn bất cứ "kẻ xâm lược tiềm tàng nào"

08:54 | 24/12/2016
Ngày 23/12, tại cuộc họp báo thường niên tổ chức vào dịp cuối năm tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những phát biểu tổng kết tình hình trong nước và quốc tế trong năm 2016. 

Đây là cuộc gặp thường niên quy mô lớn với phóng viên lần thứ 12 của ông Putin. Cuộc họp báo năm nay đã lập kỷ lục về số lượng các nhà báo tham dự, lên tới 1.500 người, so với 1.390 nhà báo hồi năm ngoái.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo. (Ảnh: Reuters)

Về các vấn đề trong nước, Tổng thống Putin đặc biệt ghi nhận thành tích mà các ngành kinh tế trong nước đạt được trong bối cảnh Nga gặp nhiều khó khăn từ bên ngoài như các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm mạnh. Dù kinh tế năm 2016 dự kiến suy giảm khoảng 0,5-0,6% song vẫn duy trì được sự ổn định vĩ mô.

Thành tựu của nông nghiệp Nga được đặc biệt ghi nhận. Theo đó, đóng góp từ xuất khẩu nông nghiệp năm 2016 đạt 16,9 tỷ USD, vượt thu nhập từ bán vũ khí và thực chất đã "nuôi sống" cả nước trong năm qua. Trong khi đó, một số ngành kinh tế khác được ghi nhận đã ngừng đà suy giảm.

Ông Putin cho biết hiện nhiều lĩnh vực của nền kinh Nga đã có khả năng cạnh tranh, thậm chí Nga còn dẫn đầu trong một số lĩnh vực quan trọng.

Về lĩnh vực quốc phòng, Tổng thống Putin cho biết Nga đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hoàn thiện "bộ ba hạt nhân", bao gồm cả khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ông Putin nhấn mạnh Nga đã nỗ lực rất nhiều để hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân và lực lượng vũ trang, theo đó đã đưa vào sử dụng các tàu ngầm hạt nhân chiến lược với các tên lửa mới cũng như các hệ thống dùng cho máy bay.

Ông cho rằng Nga phải làm điều này để đáp trả những thách thức của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân vì chính Mỹ hồi năm 2001 đã đơn phương rút khỏi Hiệp định về phòng thủ tên lửa, vốn được coi là nền tàng cho toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế. Tổng thống Putin cho rằng hành động của Nga hoàn phù hợp với tất cả các thỏa thuận về hạn chế vũ khí tiến công chiến lược và các thỏa thuận khác.

Ông Putin tiết lộ theo kế hoạch, đến năm 2021, Nga phải có tới 70% vũ khí mới và hiện đại nhất. Hiện con số này mới đạt mức 50%, kế hoạch đặt ra đang được thực hiện đúng lịch trình.

Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin khẳng định rằng Moscow sẽ không phung phí tiền hay bị "lôi kéo" vào chạy đua vũ trang. Ông Putin nhấn mạnh, mặc dù Nga giảm chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng, nước này hiện vẫn mạnh hơn bất cứ "kẻ xâm lược tiềm tàng nào".

Về chống khủng bố, Tổng thống Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế thống nhất nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, theo ông, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế sẽ không đạt hiệu quả nếu phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và từ chối hợp tác với Moscow.

Ông Putin bày tỏ lấy làm tiếc khi cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đang "bỏ lỡ cơ hội" hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố.

Về quan hệ quốc tế, Nga mong muốn phát triển quan hệ với châu Âu với tư cách là đối tác đáng tin cậy, vững mạnh và độc lập. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng "nếu giải quyết những vấn đề liên quan đến việc xây dựng mối quan hệ Nga - châu Âu mà cần phải có sự can thiệp của nước thứ ba, khi đó Nga sẽ không còn hứng thú làm việc với châu Âu nữa".

Tổng thống Putin khẳng định Nga muốn xây dựng quan hệ đối tác tốt đẹp với EU, theo đó Nga sẽ sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trả đũa EU nếu liên minh này cũng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Ông mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong đó có cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Về quan hệ với Mỹ, Tổng thống Nga cho biết ông mong muốn các quan hệ Nga - Mỹ sẽ bình thường trở lại và bắt đầu xây dựng quan hệ song phương trên nền tảng bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, đồng thời bày tỏ sẵn sàng thăm Mỹ nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump có lời mời.

Đông đảo phóng viên các hãng thông tấn lớn tham dự cuộc họp báo. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Putin nêu rõ: "Nếu được ông Trump mời thăm Mỹ, tất nhiên tôi sẽ đi. Tôi mong muốn có sự thay đổi trong quan hệ của chúng tôi và quan hệ tương tác giữa hai chính phủ sẽ bình thường trở lại để giải quyết các vấn đề mà nước chúng ta cũng như thế giới đang phải đối mặt, trước hết là trong các lĩnh vực an ninh và phát triển kinh tế".

Về quan hệ với Trung Quốc, ông Putin tuyên bố "mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện đang ở mức rất cao, cao hơn cả mối quan hệ đối tác chiến lược". Ông cho rằng, Moscow và Bắc Kinh có lập trường chung trên trường quốc tế về nhiều vấn đề, coi đây là nhân tố ổn định quan trọng. Hiện mối quan hệ song phương giữa hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực quan trọng trong đó có hàng không, vũ trụ, năng lượng.

Đề cập cuộc khủng hoảng tại Ukraine, ông Putin cho rằng các nỗ lực của Nhóm "Bộ tứ Normandy" (gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine không mang lại hiệu quả cao, thậm chí làm việc trì trệ, song khẳng định nếu không có cơ chế này thì tình hình tại quốc gia Đông Âu sẽ xấu hơn rất nhiều.

Theo ông Putin, bế tắc trong việc giải quyết tình hình tại Ukraine là do chính quyền của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko không thực hiện đúng các cam kết của mình. Về quan hệ giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU), ông Putin bày tỏ sự ủng hộ đối với cơ chế miễn thị thực giữa Ukraine và EU, song ông cũng nhấn mạnh cơ chế này cần phải trao quyền lao động cho người dân Ukraine.

(theo Reuters, AFP)