📞

Tổng thống Putin tự tin về tăng trưởng GDP của Nga; Moscow áp dụng ‘công cụ linh hoạt đặc biệt’ với các nước thân thiện

Hải An 06:38 | 26/12/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này dự kiến sẽ tăng 3,5% vào cuối năm 2023 và GDP cũng sẽ tăng ở các quốc gia khác trong Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp Hội đồng kinh tế Á-Âu tối cao tại St. Petersburg, Nga, ngày 25/12.

Tại cuộc họp Hội đồng kinh tế Á-Âu tối cao, tổ chức ở St. Petersburg, Tổng thống Putin nêu rõ: "Năm nay, tất cả các nước thành viên EAEU đều báo cáo tăng trưởng kinh tế ổn định. Ở Nga, trong 3 quý đầu năm, GDP tăng 3% và đến cuối năm, con số này dự kiến là 3,5%”.

Bên cạnh đó, ông Putin nhận định “có một sự gia tăng đáng kể GDP ở các quốc gia EAEU khác".

Dựa trên thông tin có được, Tổng thống Nga cho biết, tăng trưởng GDP ở Armenia là hơn 9% trong 9 tháng đầu năm nay, hơn 5% ở Kazakhstan, hơn 4% ở Kyrgyzstan và 3,5% ở Belarus.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng, các mối liên kết trong liên minh đang tiếp tục phát triển tích cực và thành công trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, bất chấp những khó khăn do tình hình quốc tế.

Trong diễn biến khác, cùng ngày 25/12, Tổng thống Putin đã ký một đạo luật cho phép chính phủ nước này tạm thời giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn thuế xuất khẩu một số hàng hóa sang các nước thân thiện trong thời gian lên tới 6 tháng.

Chính phủ Nga cũng có thể tạm thời giảm hoặc hủy bỏ thuế xuất khẩu đối với một lượng sản phẩm nhất định trong thời gian không quá 1 năm.

Khi biện pháp này lần đầu tiên được đưa ra hồi tháng 8 năm nay, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nhận định, luật nhằm tăng xuất khẩu của Nga sang các nước thân thiện.

Ông Mishustin cho biết: “Để khuyến khích tăng trưởng nguồn cung cấp ngũ cốc, phân bón và nguyên liệu thô cho các nước thân thiện, chính phủ đề xuất áp dụng một công cụ linh hoạt đặc biệt, đó là ưu đãi về thuế”.

Thủ tướng Mishutin nhấn mạnh: “Biện pháp này sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp Nga phải đối mặt với những hạn chế từ bên ngoài và đối phó với việc chi phí vận chuyển tăng cao khiến giá xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp bị đẩy lên do phải thay đổi tuyến đường vận chuyển”.

(theo TASS, THX)