TIN LIÊN QUAN | |
Israel - Palestine: Mỹ yêu cầu họp kín ở HĐBA, Palestine nói về 'cú đâm sau lưng' | |
Mỹ khuyên Israel 'không nên mạo hiểm công nhận Palestine là một nhà nước' |
Tổng thống Israel Reuven Rivlin. (Nguồn: Flash 90) |
Phát biểu tại buổi tiếp đón khoảng 30 sĩ quan quân đội Mỹ đang ở thăm Israel, Tổng thống Rivlin nêu rõ: “Chúng tôi không bao giờ thỏa hiệp về an ninh của công dân Israel, tôi tin rằng, tầm nhìn hòa bình với Palestine là một tầm nhìn thực tế. Israel và Palestine không phải bị buộc sống cùng nhau mà số phận của chúng ta là sống cùng nhau. Tôi hy vọng hai bên sẽ giành lấy cơ hội này để bắt đầu đàm phán trực tiếp".
Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump, được công bố hôm 28/1, đề xuất thành lập một nhà nước Palestine trong tương lai sau khi Israel và Palestine ký kết hiệp định hòa bình, nhưng kế hoạch này đã không đáp ứng dù là những đòi hỏi tối thiểu nhất của Palestine, cũng như cho phép Israel sáp nhập các khu định cư tại Bờ Tây.
Cũng trong sáng 4/2, Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ kế hoạch của Tổng thống Trump và bày tỏ quan ngại về kế hoạch của Israel sáp nhập các khu định cư tại Bờ Tây và Thung lũng Jordan sau khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố quan điểm thúc đẩy các bước đi để sáp nhập các phần lãnh thổ này.
Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu trước những người ủng hộ đảng Likud tại Beit Shemesh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Chủ tịch đảng Likud, tuyên bố, ông sẽ áp đặt chủ quyền với tất cả các khu định cư tại Bờ Tây sau bầu cử vào ngày 2/3 tới.
Thủ tướng Netanyahu nói: "Khi chúng ta giành chiến thắng, chúng ta tiếp tục làm nên lịch sử, chúng ta sẽ mở rộng chủ quyền đối với tất cả các cộng đồng Do Thái tại Judea và Samaria (tức Bờ Tây)".
Ông Netanyahu cũng cảnh báo, cơ hội lịch sử để sáp nhập các khu định cư tại Bờ Tây với sự ủng hộ của Mỹ sẽ chỉ diễn ra nếu ông nhận đủ phiếu bầu để thành lập một chính phủ cánh hữu, ngụ ý đả kích đối thủ chính trị là ông Benny Gantz, đứng đầu đảng Xanh-Trắng, khi ông Gantz nói rằng, sẽ thực hiện kế hoạch hòa bình của Mỹ chỉ với sự tán đồng của quốc tế.
Hội đồng các khu định cư và đảng cánh hữu Yamina gây sức ép buộc Thủ tướng Netanyahu tiến hành sáp nhập các khu định cư ngay lập tức, cảnh báo đảng Likud sẽ mất phiếu bầu nếu không tiến hành sáp nhập. Hội đồng này đã dựng một lều phản đối tại Jerusalem để gây sức ép.
Trước đó, ông Netanyahu cho biết sẽ đưa vấn đề sáp nhập ra bỏ phiếu trong một cuộc họp nội các trước ngày bầu cử 2/3, nhưng phải hoãn lại sau khi Chính quyền Mỹ yêu cầu ông Netanyahu chờ đợi thêm vài tháng nữa.
Về phía Palestine, cũng trong ngày 4/2, Tổng thống Mahmoud Abbas đã có cuộc trao đổi với đặc phái viên của Tổng thống Nga Putin Alexander Lavrentiev và điện đàm với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif về những diễn biến mới liên quan đến Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ.
Hãng thông tấn chính thức WAFA của Palestine đưa tin, tại cuộc gặp ông Lavrentiev, Tổng thống Abbas đã hối thúc ông nỗ lực hướng tới việc đạt được giải pháp Hai nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967.
Tổng thống Abbas đã thông báo với đặc phái viên Lavrentiev về những diễn biến mới nhất sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch hòa bình, được biết đến với tên gọi Thỏa thuận thế kỷ. Về phần mình, ông Lavrentiev cũng khẳng định lập trường của Nga, phản đối lại Kế hoạch hòa bình mà Moscow vẫn coi là "không khả thi".
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran, ông Zarif đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Iran đối với quyền tự quyết của người dân Palestine và thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Cuộc điện đàm hiếm hoi giữa hai bên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Chính quyền Palestine và Iran đang trong thời kỳ lạnh nhạt, do Tehran vẫn đang duy trì quan hệ chặt chẽ với các phe phái Palestine do phong trào Hamas ở Dải Gaza đứng đầu.
Các cuộc trao đổi này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Abbas đang đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao nhằm tăng cường sự ủng hộ của các nước nhằm chống lại Kế hoạch hòa bình của chính quyền Washington.
| Iran, Thổ Nhĩ Kỳ nói Mỹ 'bán đứng Palestine', Nga tiếp tục lên tiếng về 'Thỏa thuận thế kỷ' TGVN. Hãng Thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin, ngày 2/2, các ngoại trưởng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi ... |
| Kế hoạch Hòa bình Trung Đông: Thoả thuận thế kỷ hay vị kỷ? TGVN. Một phần “Thỏa thuận thế kỷ” được công bố ngày 28/1 cho thấy khó có thể mang lại bình yên sau nhiều thập kỷ sóng ... |
| Mỹ công bố khía cạnh chính trị Kế hoạch hòa bình Trung Đông, Trung Quốc, Palestine, Iraq và Iran lên tiếng TGVN. Ngày 29/1, Trung Quốc cho rằng, bất kỳ kế hoạch nào về vấn đề Palestine cần được đưa ra trên cơ sở "lưu ý ... |