📞

Tổng thống Singapore thăm Việt Nam: Định hướng quan hệ Đối tác chiến lược 50 năm tới và xa hơn nữa

Hà Phương 16:36 | 17/10/2022
Nhân dịp Tổng thống Singapore Halimah Yacob có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam đã trả lời phỏng vấn TG&VN những kỳ vọng về chuyến thăm, đặc biệt nhấn mạnh những tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Lễ đón chính thức Tổng thống Singapore Halimah Yacob tại Phủ Chủ tịch ngày 17/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Xin Đại sứ chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam lần này của Tổng thống Halimah Yacob trong bối cảnh năm qua đã có sự trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên giữa hai nước?

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Singapore Halimah Yacob tới Việt Nam từ ngày 16-20/10 là chuyến thăm mới nhất trong chuỗi trao đổi đoàn cấp cao giữa Singapore và Việt Nam trong năm nay. Chuỗi chuyến thăm này bắt đầu với chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore vào tháng 2.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Halimah Yacob lần này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ vì cả hai chuyến thăm cấp Nhà nước đều diễn ra trong cùng một năm, mà còn vì những “lần đầu tiên” trong mỗi chuyến thăm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Quốc khách đầu tiên Singapore tiếp đón kể từ sau đại dịch Covid-19, trong khi chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Halimah là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống kể từ sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh Singapore và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023, chuyến thăm của Tổng thống Halimah tới Việt Nam là sự kiện “mở màn” tuyệt vời cho hai mốc kỷ niệm đồng thời này.

Khi Singapore và Việt Nam mở cửa lại biên giới, Đại sứ quán chúng tôi đã vô cùng bận rộn, chào đón các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Singapore đến Việt Nam như chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin vào tháng 5; Bộ trưởng Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Tan See Leng vào tháng 8; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Điều phối Chính sách Kinh tế Heng Swee Keat vào tháng 9 cũng như một loạt các chuyến thăm cấp quan chức. Tần suất dày đặc của các chuyến thăm cấp cao này thể hiện sự tin cậy chính trị mạnh mẽ giữa hai nước ở cấp lãnh đạo cũng như mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Trong bối cảnh Singapore và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023, chuyến thăm của Tổng thống Halimah tới Việt Nam là sự kiện “mở màn” tuyệt vời cho hai mốc kỷ niệm đồng thời này.

Chuyến thăm là cơ hội quan trọng để hai bên điểm lại những thành tựu nổi bật hai bên đã đạt được trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ song phương thời gian qua cũng như củng cố và tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực bao gồm an ninh mạng, các dự án thí điểm tín chỉ carbon (CO2), giáo dục và đào tạo nghề.

Hướng tới tương lai của hợp tác song phương, tôi hy vọng rằng chuyến thăm của Tổng thống Halimah sẽ góp phần đưa ra định hướng cho cả hai nước nhằm đạt được tiến bộ hơn nữa trong mối quan hệ song phương trong 50 năm tới và hơn thế nữa.

Mô hình Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đã cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước. Thời gian qua, lãnh đạo hai nước đã thảo luận về việc nhân rộng thêm mô hình này theo hướng phát triển xanh, thông minh và sáng tạo. Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng của kế hoạch này?

Kể từ khi Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đầu tiên được thành lập tại tỉnh Bình Dương vào năm 1996, mô hình VSIP đã trở thành một biểu tượng quan trọng cho tổng thể mối quan hệ kinh tế giữa Singapore và Việt Nam. Hiện nay đã có 11 mô hình VSIPs tại 8 tỉnh khắp Việt Nam, ở ba miền Bắc, Trung, Nam, thu hút được 17 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra hơn 300.000 việc làm.

Tuy nhiên, ngoài giá trị trực tiếp mà các VSIP mang lại về đầu tư, việc làm và tăng trưởng kinh tế, yếu tố khác biệt của các VSIP là nỗ lực để hỗ trợ nhu cầu phát triển của Việt Nam cũng như tạo ra các cơ hội hợp tác cùng có lợi. VSIP mới nhất - VSIP Bình Dương III, được Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khởi công vào tháng Ba vừa qua là một ví dụ điển hình cho điều này.

Là một VSIP thế hệ mới, VSIP Bình Dương III sẽ kết hợp các yếu tố Công nghiệp 4.0, tính bền vững và thiết kế xanh. Đây đều là những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam bày tỏ quan tâm giải quyết nhằm đưa Việt Nam đi trên con đường đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Là một VSIP thế hệ mới, VSIP Bình Dương III sẽ kết hợp các yếu tố Công nghiệp 4.0, tính bền vững và thiết kế xanh. Đây đều là những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam bày tỏ quan tâm giải quyết nhằm đưa Việt Nam đi trên con đường đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Giống như các VSIP thế hệ mới này, tôi rất tin tưởng rằng quan hệ đối tác song phương sẽ phát triển và thích ứng với thời gian và hoàn cảnh, góp phần đưa Singapore và Việt Nam đi đầu trong việc nắm bắt các cơ hội mà nền kinh tế tương lai mang lại.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam. (Ảnh: QT)

Theo Đại sứ, đâu là những cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới?

Tiềm năng mở rộng và chiều sâu hợp tác kinh tế giữa Singapore và Việt Nam là rất lớn. Một phần của sự hợp tác này diễn ra một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của chính phủ hai nước. Trong các cuộc trò chuyện của tôi với các công ty Singapore, cả lớn và nhỏ, một sự thôi thúc không ngừng là họ muốn đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Đây là minh chứng cho những điều kiện hấp dẫn mà Việt Nam có thể tạo ra, bao gồm sự ổn định chính trị, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do và lực lượng lao động trẻ, năng động. Do đó, không có gì ngạc nhiên đối với tôi khi Singapore gần đây đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai vào Việt Nam.

Điều mà chính phủ hai nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp là xác định các lĩnh vực mới để hai bên hợp tác cùng có lợi. Theo quan điểm của tôi, có hai lĩnh vực hợp tác chín muồi để hai bên “gặt hái” trong thời gian gần và trung hạn.

Trong các cuộc trò chuyện của tôi với các công ty Singapore, cả lớn và nhỏ, một sự thôi thúc không ngừng là họ muốn đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Lĩnh vực đầu tiên là hợp tác trên mặt trận năng lượng. Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Việc phát triển tiềm năng này có thể biến Việt Nam thành một trung tâm năng lượng tái tạo quan trọng cho khu vực Đông Nam Á.

Singapore mong muốn tham gia vào nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu đạt mức phát thải bằng không vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, cả hai nước đang tiến tới ký một Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Năng lượng và tôi hy vọng rằng bản ghi nhớ này sẽ sớm được ký kết.

Lĩnh vực đầy hứa hẹn thứ hai là chuyển đổi kỹ thuật số, vốn rất quan trọng để tăng năng suất lao động và cải thiện cuộc sống của con người. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Singapore vào đầu năm nay, cả hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác về phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các đối tác Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này ở cấp độ song phương, đồng thời mong muốn Singapore và Việt Nam trở thành những nước tiên phong về chuyển đổi số ở khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam vừa qua đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả này và nỗ lực của Việt Nam?

Tôi gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới Việt Nam, đặc biệt là những nhà ngoại giao –đồng nghiệp của tôi tại Bộ Ngoại giao Việt Nam, về việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Đây là minh chứng cho vai trò xây dựng mà Việt Nam đã nỗ lực tại các diễn đàn đa phương, bao gồm cả với tư cách là Thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, nhằm duy trì vị trí trung tâm và sự thống nhất của ASEAN, cũng như thúc đẩy tầm quan trọng của thương mại tự do và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.