Chiều ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Ibn Auf cho biết Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã buộc phải từ chức và hiện đang được giám sát chặt chẽ trong phủ Tổng thống. Quyết định này được ông Bashir đưa ra sau khi lãnh đạo các lực lượng an ninh thân cận nói rằng nhà lãnh đạo này “không còn sự lựa chọn nào khác” ngoài việc từ chức.
Những cánh tay đắc lực của ông như Thủ tướng Mohamed Taher Ayala cùng Chủ tịch đảng cầm quyền Quốc Đại Sudan Ahmed Haroun đều đã bị bắt giữ. Toàn bộ bộ máy Chính quyền của Sudan, từ Chính phủ tới Quốc hội đều đã bị giải tán hoặc ngưng hoạt động. Hệ thống tòa án, công tố viên, đại sứ quán và cơ quan ngoại giao sẽ tiếp tục hoạt động bình thường. Cơ quan Tình báo Sudan cũng cho biết đã thả tất cả những tù nhân chính trị bị bắt và giam giữ dưới thời ông Bashir.
Cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. (Nguồn: Enca) |
Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Ibn Auf cũng cho biết đã thành lập một Hội đồng quân sự có thời hạn hai năm để giám sát quá trình chuyển giao quyền lực, chấm dứt ba thập kỷ cầm quyền của ông Bashir. Bộ trưởng Quốc phòng cũng công bố tình trạng khẩn cấp trong vòng ba tháng, kéo dài từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng mỗi ngày.
Ngay sau khi tin tức được công bố, nhiều người dân Sudan đã tụ tập trước cửa Sở Chỉ huy của Quân đội tại thủ đô Khartoum để ăn mừng sự ra đi của ông Omar al-Bashir.
Việc những nhà lãnh đạo lâu đời liên tục xuống đài đang báo hiệu một làn sóng mới tại châu Phi. Trước ông Bouteflika và ông Bashir, tháng 11/2017, ông Robert Mugabe, dưới áp lực từ Quân đội, đã buộc phải rời bỏ vị trí Tổng thống Zimbabwe sau 37 năm cầm quyền. Một số nhà quan sát cho rằng người dân châu Phi, đối mặt với tình trạng nghèo đói, tham nhũng, bất bình đẳng kéo dài, đang đứng lên tìm kiếm sự thay đổi, thứ mà các nhà lãnh đạo này sau nhiều năm cầm quyền vẫn chưa thể mang đến cho họ.
Tuy nhiên, cuộc sống vốn vô thường và khó có thể biết liệu những con người mới sẽ mang đến chuyển biến cần thiết mà người dân lục địa đen hằng mong muốn hay không. Lịch sử cho thấy nhiều người đứng đầu các Hội đồng quân sự hay Chính phủ chuyển tiếp tại châu Phi sau đó thường trở thành lãnh đạo, để rồi lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm bị họ phế truất. Song chẳng ai đánh thuế giấc mơ và rõ ràng người dân Sudan nói riêng và châu Phi nói chung hoàn toàn có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.