Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ việc có thể chấp thuận cho Phần Lan gia nhập NATO nhưng không có Thụy Điển. (Nguồn: Gzero) |
Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hiện là 2 nước trong số 30 thành viên của NATO chưa đồng ý với nguyện vọng gia nhập liên minh quân sự này của Thụy Điển và Phần Lan.
Tuy nhiên, quốc hội Hungary dự kiến bỏ phiếu thông qua yêu cầu của Stokholm và Helsinki vào tháng 2 tới.
Theo quy định của NATO, khối này chỉ tiến hành các bước kết nạp thành viên mới với điều kiện đồng thuận tuyệt đối của các thành viên chính thức.
Trong một cuộc trao đổi với cử tri trẻ được truyền hình trực tiếp ngày 29/1, ông Erdogan nêu rõ: “Nếu cần, chúng ta có thể đưa ra một đáp án khác biệt cho Phần Lan (về việc gia nhập NATO). Thụy Điển sẽ bị sốc khi chúng ta đưa ra một đáp án khác cho Phần Lan".
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng gửi thông điệp tới Thụy Điển rằng, nếu thực sự muốn gia nhập NATO, Stockholm "sẽ trao trả những kẻ khủng bố đó cho chúng tôi”.
Ankara đã nhiều lần phê phán việc Thụy Điển từ chối dẫn độ một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ thuộc sắc tộc Kurd mà Ankara cho rằng, có liên quan cuộc đảo chính bất thành năm 2016.
Tổng thống Erdogan đưa ra phát biểu trên chỉ vài ngày sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngừng các cuộc đối thoại với Thụy Điển và Phần Lan về việc gia nhập NATO.
Trước đó, ngày 28/1, Thụy Điển đã thông báo tạm dừng tiến trình xin gia nhập NATO. Theo Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom, có 'một số sự kiện xảy ra trong những tuần qua làm quá trình tạm thời phải dừng lại".
Tuần trước, một cuộc biểu tình đã diễn ra gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm (Thụy Điển), trong đó có hành động của chính trị gia cánh hữu Stram Kurs Rasmus Paludan - một người có quan điểm chống người nhập cư - đốt bản sao kinh Koran.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích với ngôn từ mạnh nhất có thể đối với hành động này, trong khi Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã nỗ lực để giải quyết căng thẳng, song cần một thời gian để vấn đề lắng xuống.