'Bật đèn xanh' cho Thổ Nhĩ Kỳ, ông Trump lại gọi hành động của Ankara là 'ý tưởng tồi'. (Nguồn: AP) |
Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump khẳng định: "Mỹ không ủng hộ cuộc tấn công này và đã thể hiện rõ quan điểm cho Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng đây là một ý tưởng tồi".
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết bảo vệ dân thường và các nhóm dân tộc thiểu số, trong đó bao gồm cả những người theo đạo Cơ đốc và đảm bảo không để một cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra. Ông nhấn mạnh, Mỹ sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ cam kết này.
Ngay sau khi ông Trump quyết định rút quân khỏi khu vực Đông Bắc Syria, Ankara đã phát động cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria. Theo thông tin mới nhất từ truyền thông Trung Đông, cuộc oanh kích của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào khu vực Đông Bắc Syria đã khiến ít nhất 2 dân thường thiệt mạng.
Về phía Syria, cùng ngày, phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Egypt Today của Ai Cập, đồng Chủ tịch Hội đồng Dân chủ nước này (SDC) Riad Drar nhấn mạnh rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang tìm cách chia rẽ Syria và áp đặt một số thay đổi về nhân khẩu học.
Ông Drar nêu rõ: "Chúng tôi đã hưởng ứng tất cả những biện pháp an ninh liên quan tới việc thiết lập vùng an toàn và ông Erdogan không có cớ gì để xâm nhập vào những khu vực của chúng tôi".
Ông Drar cho biết thêm, Liên đoàn Arab (AL) vẫn yên lặng trước sự vi phạm và đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, theo truyền thông nhà nước Ai Cập, nước này lên tiếng kêu gọi AL tổ chức cuộc họp khẩn.
Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Ai Cập mô tả động thái của Thổ Nhĩ Kỳ là một "cuộc tấn công rõ ràng và không thể chấp nhận được" nhằm vào chủ quyền của một nước Arab, đồng thời nêu rõ: "Đây là một hành động lợi dụng tình hình và những diễn biến ở nước này (Syria) và vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi ngừng mọi nỗ lực nhằm chiếm đóng đất đai của Syria".
Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thông qua vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), để đấu tranh ngăn chặn diễn biến cực kỳ nguy hiểm này mà Cairo cho rằng có thể đe dọa nền hòa bình và an ninh quốc tế.
Ai Cập cảnh báo về mối đe dọa xuất phát từ động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như lộ trình chính trị ở quốc gia Trung Đông này theo nghị quyết 2254 của HĐBA LHQ.
Cùng ngày, giới chức ngoại giao cho hay, HĐBA LHQ dự kiến sẽ họp khẩn vào cuối buổi sáng ngày 10/10, để thảo luận về cuộc tấn công tại miền Bắc Syria theo đề nghị của các nước châu Âu gồm Bỉ, Pháp, Đức và Anh.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng đã lên tiếng quan ngại sâu sắc về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria: "Những nguy cơ này gây mấy ổn định khu vực, làm trầm trọng nỗi thống khổ nhân đạo và làm suy yếu tiến triển đã đạt được trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, điều sẽ là những trọng tâm chung của chúng tôi".
Về phía NATO, Tổng thư ký tổ chức này Jens Stoltenberg cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo với NATO về cuộc tấn công nói trên và ông sẽ hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Istanbul vào ngày 11/10 tới, đồng thời nói rằng: "Tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động có trách nhiệm và đảm bảo rằng bất kỳ hành động nào mà họ triển khai tại miền Bắc Syria là cân đối và thận trọng".
Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cũng đưa ra tuyên bố "lên án cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Đông Bắc Syria. Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không tiếp tục đường hướng mà họ đang triển khai", đồng thời đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara phát động một cuộc tấn công quân sự vào Syria.
Liên quan đến tình hình Syria, tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho hay, hàng nghìn dân thường đã tháo chạy để tránh đợt oanh kích của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới miền Bắc Syria. SOHR nêu rõ: "Hàng nghìn người đã bỏ chạy khỏi vùng Ras al-Ain... và vùng nông thôn Tal Abyad (để tới những khu vực chưa bị máy bay của Ankara tấn công)".