📞

Tổng thống Ukraine đã sử dụng tài sản Nga bị tịch thu thế nào? 'Gã khổng lồ' châu Âu báo tin xấu

Việt An 07:09 | 07/10/2023
Ngày 6/10, một toà án Ukraine đã phong toả tài sản ở nước này của 3 doanh nhân Nga vì cáo buộc họ hỗ trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ukraine đã nhiều lần tịch thu và quốc hữu hóa tài sản của các doanh nhân Nga. (Nguồn: Shutterstock)

Theo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), tài sản thuộc sở hữu của các doanh nhân Mikhail Fridman, Pyotr Aven và Andrey Kosogov đã bị phong toả.

Các doanh nhân này được coi là nằm trong số những người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và góp phần "tài trợ quy mô lớn cho xung đột vũ trang của Liên bang Nga".

Thông báo của Văn phòng Tổng công tố Ukraine trên Telegram có đoạn: “Theo yêu cầu của các công tố viên, tài sản của 20 công ty Ukraine với tổng trị giá hơn 17 tỷ Hryvnia (464,48 triệu USD) đã bị phong tỏa”.

Cũng theo văn phòng này, tài sản bị phong tỏa là chứng khoán và quyền doanh nghiệp của các nhà khai thác điện thoại di động, một nhà sản xuất nước khoáng, các công ty tài chính và bảo hiểm.

Kể từ đầu xung đột, Ukraine đã nhiều lần tịch thu và quốc hữu hóa tài sản của các doanh nhân Nga. Các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng thực hiện các lệnh trừng phạt với Điện Kremlin và tịch thu tài sản nhiều tài phiệt Nga như tài khoản ngân hàng, xe sang, biệt thự, du thuyền.

* Trước đó, ngày 30/10, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố, Ukraine sẽ thành lập một quỹ quốc phòng mới, bao gồm các tài sản Nga bị tịch thu như một trong những nguồn chính của quỹ.

Động thái này nhằm mục đích cung cấp cho chính quyền Kiev "các nguồn lực bổ sung" để thúc đẩy sản xuất quân sự, tạo ra các chương trình quốc phòng mới và hỗ trợ quân đội nước này.

Ông nói: "Quỹ sẽ được bổ sung từ tài sản quốc phòng nhà nước và lợi nhuận từ việc bán tài sản của Nga bị tịch thu".

* Theo số liệu do Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 6/10, thâm hụt ngân sách của Đức - nền kinh tế hàng đầu châu Âu - trong nửa đầu năm 2023 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu cho thấy, tổng thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang Đức, chính quyền các bang, thành phố và bảo hiểm xã hội trong nửa đầu năm nay là 76,1 tỷ Euro (80,4 tỷ USD), tăng hơn gấp đôi so với con số thâm hụt 32,9 tỷ Euro cùng kỳ năm ngoái.

Destatis cho biết, cả nguồn thu ngân sách và các khoản chi đều tăng trong năm nay, nhưng tỷ lệ tăng thu (khoảng 6%) không đủ bù đắp cho tăng chi (khoảng 11%). Tổng khoản thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 889,7 tỷ Euro, nhưng tổng các khoản chi tiêu lên tới 965,8 tỷ Euro.

Nếu tính riêng cấp chính phủ liên bang, trong khi các khoản chi tiêu trong nửa đầu năm 2023 là 311,7 tỷ Euro, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thì tổng các khoản thu chỉ đạt 247,4 tỷ Euro, tăng 12,6%.

Do đó, thâm hụt ngân sách của chính phủ Đức trong 6 tháng đầu năm nay là 64,3 tỷ Euro, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 45,2 tỷ Euro cùng kỳ năm ngoái.

(theo Reuters)