Trang web của Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) dẫn lời Thư ký Chủ tịch Quốc hội Irina Lutsenko (cho biết Tổng thống Poroshenko đã trình Quốc hội dự thảo điều chỉnh đạo luật "về việc phê chuẩn sắc lệnh tổng thống liên quan tuyên bố tình trạng chiến tranh ở Ukraine", từ đó tạo điều kiện cho việc tổ chức bầu cử tại các khu vực của đất nước nơi tình trạng chiến tranh được áp đặt.
Tổng thống Ukraine Poroshenko. (Nguồn: rferl.org) |
Trước đó, ngày 17/9 vừa qua, Tổng thống Poroshenko đã ký ban hành sắc lệnh về ngừng hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine, chiểu theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (SNBO) về việc chấm dứt hiệp ước trên. Nội các Ukraine cũng đã chỉ thị Bộ Ngoại giao thông báo cho Nga và các tổ chức quốc tế về mong muốn của Kiev chấm dứt Hiệp ước.
Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine đang leo thang sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine ngày 25/11. Kiev đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, bắt đầu từ ngày 26/11, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Nga là nam giới trong độ tuổi từ 16 - 60.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã yêu cầu Nga chấm dứt tranh cãi hàng hải với Ukraine, song từ chối đề nghị gia tăng hỗ trợ cho Kiev trong bối cảnh liên minh đang tìm cách tránh leo thang cuộc khủng hoảng này.
Ông Stoltenberg nhắc lại lời kêu gọi Nga thả các thủy thủ và tàu của Ukraine và cho phép tự do đi lại tại Eo biển Kerch để vào các cảng biển của Ukraine trên biển Azov. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra các biện pháp hỗ trợ thiết thực hơn đối với Kiev, với lý do "năm nay NATO đã tăng cường sự hiện diện tại Biển Đen nhiều hơn năm trước và đã tăng cường kiểm soát trên không tại vùng biển này".
Theo kế hoạch, các Ngoại trưởng của 29 nước đồng minh sẽ gặp Ngoại trưởng Ukraine vào ngày 4/12 để thảo luận sự cố trên biển Azov. Các Ngoại trưởng cũng sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Washington đã cảnh báo sẽ rút.
Trước đó, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua, các lãnh đạo châu Âu đã gây sức ép với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tranh cãi với Ukraine, tuy nhiên, vẫn thận trọng để không có những bước đi "đổ thêm dầu vào lửa".