Thị trường văn phòng cho thuê vẫn còn dư địa cho nhà đầu tư. (nguồn: JLL) |
Cung chưa đủ cầu
Theo thống kê, trong giai đoạn 2000-2008, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM) đã không có bất kỳ tòa nhà văn phòng hạng A nào được xây dựng. Tuy nhiên, trong vòng 6 năm trở lại đây, nguồn cung văn phòng hạng A đã tăng lên 200% khi Kumho Asiana Plaza, Vincom Center, Bitexco Financial Tower, Times Square và Vietcombank Tower hoàn thành. Nguồn cung diện tích cho thuê của phân khúc hạng A đã tăng lên đến 220.000m2.
Ngay khi Vincom Center và Bitexco Financial Tower hoàn thành trong năm 2010, tỷ lệ lấp đầy của phân khúc văn phòng hạng A đã giảm xuống còn 63%, thế nhưng lượng diện tích trống đã dần dần được lấp đầy trong giai đoạn 2011 đến nửa đầu năm 2015 và tỷ lệ này đã hồi phục về mức 93%.
Các chủ tòa nhà hiện đang là bên có lợi thế trên thị trường do nguồn cung diện tích văn phòng hạn chế, chỉ còn khoảng 1.000m2 cho đến nửa sau năm 2017, trong khi đó nguồn cầu vẫn tiếp tục tăng cao.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ lao động trong các ngành tài chính, bảo hiểm, bất động sản và dịch vụ kinh doanh tại Việt Nam đã tăng lên 11% mỗi năm và đạt mức 3,64 triệu trong năm 2014, đi cùng với tốc độ mở rộng diện tích văn phòng trung bình mỗi năm tăng thêm 9,6%.
Trong vòng 10 năm tới, dự đoán nhu cầu về diện tích văn phòng sẽ tiếp tục tăng mạnh ở mức 8-10% mỗi năm tại TP. HCM cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Bởi lẽ, dự đoán tỷ lệ dân số làm việc tại các ngành dịch vụ sẽ tăng từ 30% lên đến 40%, và tăng trưởng GDP hằng năm đạt từ 5,5-6,0%.
Cơ hội cho nhà đầu tư
So với các thành phố khác tại Đông Nam Á, mức GDP 2.100 USD trên đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp và nguồn cung văn phòng trên đầu người của TP. HCM cũng còn thấp. Với chỉ 1,7 triệu m2 diện tích văn phòng, nguồn cung văn phòng của TP. HCM chỉ gần bằng một nửa so với Jakarta (Indonesia), Luala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philippines).
Giá thuê và giá trị tài sản văn phòng cao do thiếu hụt nguồn cung diện tích lớn trong khi nhu cầu về văn phòng rất có thể sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ phát triển kinh tế và các chuyên gia cho rằng giá thuê cũng như giá trị tài sản văn phòng tại TP.HCM không hề thấp.
Hiện tại, giá cho thuê của thị trường văn phòng TP. HCM đang ở mức 550 USD mỗi năm, cao hơn 40-160% so với các thành phố Đông Nam Á khác trừ Singapore. Giá trị tài sản văn phòng cũng cao tương đương ở mức 4.900 USD, cao hơn 25-160% mức giá tại những thành phố trên. Tuy mức lợi nhuận tại thị trường văn phòng TP. HCM đạt đến mức 8,5-9,5%, nhưng chỉ cao hơn 1,5-2,5% so với chi phí lãi vay. Ngược lại, mức lợi nhuận tại thị trường Bangkok, Manila hay Kuala Lumpur cao hơn đến 3-4% so với chi phí cho vay.
Các chuyên gia cho rằng, đây là những đặc điểm nổi bật của một thành phố non trẻ trong những giai đoạn phát triển ban đầu. Trước khi có những diện tích văn phòng phù hợp cho các doanh nghiệp quốc tế, giá thuê và giá trị tài sản văn phòng sẽ có xu hướng tăng cao, và các công ty có thể chọn giải pháp thay thế như hoạt động tại các căn hộ hoặc tòa nhà đơn lẻ cho đến khi thành phố dần dần xây dựng thêm nhiều tòa nhà văn phòng khác.
Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển của thành phố, giá thuê và giá trị tài sản văn phòng sẽ dần hạ nhiệt.
Vì vậy, trong tương lai gần, đây sẽ vẫn là một cơ hội lớn dành cho các chủ đầu tư để mua đất đầu tư xây dựng văn phòng nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng của các công ty hiện hữu và nhu cầu từ các công ty mới.