Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. |
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống của người dân và tác động như thế nào đến TP. Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế đất nước , thưa ông?
Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu trong hai năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã không may phải trải qua bốn đợt dịch Covid-19 bùng phát nặng nề diễn ra trong vòng năm tháng.
Chính quyền thành phố đã tập trung mọi nguồn lực ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch. Song đến thời điểm này, mặc dù đã từng bước kiểm soát dịch bệnh để trở về “Vùng Xanh an toàn” và quen dần với “bình thường mới”, nhưng Thành phố đã phải chịu tổn thất nặng nề trên mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội.
Trong sáu tháng đầu năm 2021, GRDP tăng 4,58%, nhưng kết thúc năm 2021, kinh tế - xã hội suy giảm nghiêm trọng xuống mức tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng dương 6%.
Về hoạt động doanh nghiệp, theo khảo sát của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong đợt dịch thứ tư (tháng Tám, tháng Chín), cùng với quy định giãn cách theo Chỉ thị 15, chỉ 10% doanh nghiệp trụ vững, có tới 90% doanh nghiệp khó khăn hơn. Bên cạnh đó, đời sống của người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn, khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, thiếu hụt lao động; tính mạng và sức khỏe người dân chịu nhiều tổn thất do đại dịch Covid-19.
Các chỉ tiêu đã đặt ra tại Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bị ảnh hưởng như thế nào?
Từ khi đất nước đổi mới, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều bước đi đột phá, các kế hoạch phát triển kinh tế của Thành phố tại các Đại hội Đảng bộ luôn được coi là mục tiêu và tiền đề để Thành phố phát triển trong hiện tại và tương lai. Vì vậy, liên tiếp nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn xứng tầm là đầu tàu kinh tế, đóng góp lớn đến 30% GDP đất nước.
Đại dịch Covid-19 đã làm cho chỉ số GRDP của TP. Hồ Chí Minh ảnh hưởng nghiêm trọng, đẩy chỉ tiêu kinh tế xuống tăng trưởng âm. Theo ước tính, thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 do đại dịch Covid-19 lên đến 273.000 tỷ đồng và kết thúc năm 2021, các chỉ tiêu đề ra chỉ hoàn thành được hơn 50%, với trên một nửa dân số gặp khó khăn và hơn 80% doanh nghiệp ảnh hưởng hoạt động.
Bước qua một năm quá khó khăn, năm 2022 sẽ có rất nhiều việc cần phải làm, Thành phố đã chuẩn bị như thế nào để vừa phát triển kinh tế và vừa ổn định cuộc sống cho người dân?
Vì chưa có tiền lệ nào về cách ứng phó một trận đại dịch quy mô lớn, mặc dù đã chủ động và dồn mọi nguồn lực, nhưng sự lúng túng trong các chính sách quản trị khủng hoảng của chính quyền và cả doanh nghiệp là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất của Thành phố đã vượt qua và đang bước vào giai đoạn “bình thường mới”.
Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh cũng đã xác định các nhiệm vụ cần phải làm ngay, duy trì và phát huy những lợi thế vốn có. Trong đó, chủ đề năm 2022 là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư”. Theo đó, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn năm năm (2021-2025) tại Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI, nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo thành phố cũng xác định và thống nhất không thay đổi hay điều chỉnh mục tiêu; phấn đấu triển khai thực hiện các kế hoạch để hướng đến việc hoàn thiện mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế của Thành phố trong năm 2022, hướng đến tầm nhìn 2045.
Một số chỉ tiêu cụ thể mà Thành phố đã quyết không thay đổi nhằm tạo xung lực mới thời kỳ hậu Covid-19?
Trên cơ sở định hướng của Trung ương với ba mốc mục tiêu quan trọng là xây dựng và phát triển Thành phố đến 2025 trở thành thành phố đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; Giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước và là đầu mối quan trọng, góp phần tăng trưởng cho cả khu vực trọng điểm phía Nam…
Do đó, hiện tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai hiệu quả các kịch bản về tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, với mục tiêu tổng quát và 26 chỉ tiêu cụ thể được đưa ra trên năm lĩnh vực quan trọng, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm khoảng 8%; Kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025 và đến 2030 là 40%; Tốc độ tăng năng suất lao động lên 7%/năm; Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt lên 95%. Đồng thời, tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm thích ứng an toàn với Covid-19, làm nền tảng đẩy nhanh quá trình tái thiết, tái cơ cấu Thành phố sau đại dịch.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH17 của Quốc hội. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại theo phương thức mới.
TP. HCM đang trở lại trạng thái “bình thường mới” và quyết tâm duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước. (Ảnh: Bảo Lan) |
TP. Hồ Chí Minh đã trở về là “Vùng Xanh an toàn”, các quyết sách đã dần cho thấy hiệu quả, ông có thể chia sẻ về những bước đi tiếp theo của chính quyền Thành phố?
Chúng ta cũng thấy rõ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực sâu rộng lên toàn bộ mọi ngóc ngách của nền kinh tế và đời sống xã hội. Do đó, để triển khai kế hoạch cần có sự hành động và đồng hành của cả ba phía: chính quyền, doanh nghiệp và người lao động. Theo đó, Thành phố xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19” được đặt lên hàng đầu. Từ đó, từng bước đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”, là điểm đến an tâm của khách du lịch và các nhà đầu tư quốc tế…; đồng thời, góp phần để TP. Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả đồng loại các chỉ tiêu đề ra.
Ngoài ra, cùng với việc nâng cao hiệu quả hợp tác liên kết vùng trên nguyên tắc nhận diện đúng lợi thế cạnh tranh từng địa phương, TP. Hồ Chí Minh cũng chủ động đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, đặc biệt với các quốc gia và vùng lãnh thổ có các lĩnh vực mà Thành phố đang có nhu cầu. Đồng thời, tích cực phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Cơ quan đại diện nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh để tìm kiếm đối tác tin cậy, các nguồn vốn đầu tư… nhằm phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ giữ vững vai trò là địa phương đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đồng thời, hướng đến tầm nhìn 2045 sẽ là một TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững, là trung tâm kinh tế, tài chính của khu vực châu Á nói riêng và là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, cũng như khách du lịch toàn cầu.