Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố cũng đạt khoảng 1.399.500 tỷ đồng, tăng 20,93% so với cùng kỳ năm 2015. Dư nợ cho vay ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm 75%, còn lại gồm các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng....
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kiều hối chuyển về thành phố cũng như tín dụng cho vay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư...
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố luôn tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn vay.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bằng nhiều hoạt động đa dạng như ưu đãi về lãi suất, giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp... đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Tính đến nay, chương trình kích cầu của thành phố đã phê duyệt 164 dự án; chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cho gần 25.770 doanh nghiệp; chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao...
Đánh giá về hoạt động tài chính-ngân hàng trên địa bàn thành phố, các chuyên gia cho rằng, chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. Đồng thời, thị trường vàng trong nước cũng diễn biến theo xu hướng cùng chiều với giá vàng thế giới.
Đây là những điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ hàng hóa cho thị trường những tháng cuối và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.