Khu vực đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định - Quận I) nơi được xem là sầm uất nhất về kinh doanh nhưng dịch Covid -19 đã khiến nhiều cơ sở phải đóng cửa (Ảnh: Bảo Lan) |
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, đề xuất trên được đưa ra trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các sở, ban, ngành, quận/huyện và TP. Thủ Đức. Các đối tượng được hưởng hỗ trợ là những lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bị giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội sẽ được hỗ trợ theo đề xuất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Và mức độ hỗ trợ cũng sẽ phụ thuộc vào từng nhóm đối tượng cụ thể. Nếu trường hợp đối tượng trùng nhiều diện hỗ trợ, thì hưởng của một diện cao nhất. Cụ thể:
Đối với nhóm đối tượng làm một trong các công việc như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Mỗi đối tượng sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Điều kiện để được nhận hỗ trợ: đăng ký tạm trú tại địa phương, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng,
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, số lao động thuộc nhóm này khoảng 230.000 người.
Hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn hợp đồng từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5-31/12.
Trong đó, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (42.567 người ở 1.365 đơn vị), mức hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/người.
Đối với giáo viên, nhân viên (kể cả bảo mẫu) làm việc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người.
Bán hàng rong là một trong những đối tượng nhận được sự hỗ trợ theo đế xuất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. (Ảnh: Bảo Lan) |
Với 23.153 người được hỗ trợ ở 1.777 cơ sở, dự kiến kinh phí sẽ là hơn 46,3 tỷ đồng.
Với người lao động nữ đang mang thai và lao động nữ đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người (4.631 người).
Đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (2.000 người). Mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người.
Với trẻ em mắc Covid-19, trẻ em phải cách ly tại các cơ sở cách ly y tế tập trung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đề xuất hỗ trợ tiền ăn 90.000 đồng/em/ngày, với thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày, áp dụng từ 27/4-31/12.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động trong doanh nghiệp. Cụ thể, người sử dụng lao động được vay ưu đãi, không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động phải ngừng việc.
Mức vay bằng mức lương ngừng việc thực tế nhưng không quá mức lương tối thiểu vùng và thời gian thụ hưởng chính sách tối đa 3 tháng. Lãi suất cho vay là 0%, người sử dụng lao động không phải bảo đảm tiền vay.
Thời hạn vay tối đa 12 tháng. Số đơn vị vay vốn là 410 đơn vị, với số lao động ngừng việc (dự toán) là 12.800 người theo mức lương tối thiểu vùng I áp dụng trên địa bàn TP. HCM thì mức vay sẽ là 4,42 triệu đồng/người/tháng.
Đối với các hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động từ 22/5 trở đi để phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/hộ/tháng, với 3.000 hộ. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng.
Với người có công với cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công hưởng trợ cấp hàng tháng, vợ hoặc chồng liệt sĩ có chồng hoặc vợ khác hưởng trợ cấp hàng tháng (34.362 người), mức hỗ trợ được đề xuất là 500.000 đồng/người/tháng, chi trả một lần cho 3 tháng liên tục.
Các thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo TP. Hồ Chí Minh thời điểm đầu năm 2020 được rà soát, thống kê đến ngày 31/5 là 111.136 người, cũng được đề xuất hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng, chi trả một lần cho 3 tháng liên tục.
Với những người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (143.749 người), mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, chi trả một lần cho 3 tháng liên tục.
Cũng theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 1.075 tỷ đồng tiền hỗ trợ, kinh phí ngân sách thành phố hỗ trợ cho các nhóm đối tượng là hơn 905 tỷ đồng, còn lại là ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.