📞

TP. Hồ Chí Minh quyết tâm 'mở cửa đón khách' an toàn, chu đáo

Việt Bảo 21:52 | 23/12/2021
Trong hai năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó du lịch và hàng không là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và hết sức nặng nề, với việc hầu hết các nước hạn chế việc đi lại quốc tế.
Với những chuẩn bị chu đáo, hy vọng, TP. Hồ Chí Minh sẽ sớm khôi phục ngành du lịch. (Nguồn: VietTravel)

Trong bối cảnh gần bước sang năm mới và Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu về thăm quê hương đón Tết của kiều bào cũng như nhu cầu du lịch Việt Nam của bạn bè quốc tế tăng mạnh, là cơ hội để vực dậy ngành du lịch, dịch vụ.

Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến TP. Hồ Chí Minh: Mở cửa đón khách du lịch quốc tế và kiều bào an toàn, chu đáo do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, nếu chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế, Việt Nam sẽ mất cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm.

Không những thế, Việt Nam có thể mất đi cơ hội phục hồi những lĩnh vực khác và nguy hiểm hơn nữa, chúng ta sẽ mất năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cũng như của nền kinh tế.

Với TP. Hồ Chí Minh, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, việc tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác, song, để mở lối đi “bình thường mới” trong bối cảnh hiện nay, còn cần nhiều nỗ lực.

Cánh cửa hé mở

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, đến thời điểm này, Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội là một chủ trương đúng đắn và hết sức phù hợp.

Đồng thời, với chiến lược vaccine đúng đắn, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được 140 triệu liều vaccine, đạt mức miễn dịch cộng đồng.

Ngoài ra, trải qua hai năm với 4 làn sóng đại dịch, năng lực y tế của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch đã được cải thiện đáng kể. Ý thức của người dân năm qua về việc phòng chống dịch đã được cải thiện rất nhiều.

Trước tình hình mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, đây là một trong những việc hết sức cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa thực tiễn ở thời điểm cuối năm. Việc triển khai mở lại đường bay thương mại quốc tế sẽ là giải pháp cho ngành du lịch và hàng không.

Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cũng đã phối hợp thực hiện nhiều hành động nhằm chuẩn bị cho việc mở lại các chuyến bay thương mại.

Bộ Ngoại giao đang làm việc hết sức khẩn trương nhằm công nhận giấy chứng nhận vaccine của các nước khác, để khi khách quốc tế có nhu cầu vào Việt Nam thì giấy chứng nhận đó chính là giấy thông hành. Như vậy, cánh cửa thông cho “inbound” và “outbound” đã được mở.

TP. Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng, quảng bá điểm đến của thành phố với giá trị cốt lõi là "Cởi mở, sống động, hứng khởi, hướng về tương lai".

Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn số 4510688, trong đó quy định rất cụ thể các đối tượng và yêu cầu nếu muốn nhập cảnh Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, đây là những bước tiến mới trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air, chính sách mới của Chính phủ cùng những hướng dẫn của Bộ Y tế là tín hiệu rất tốt, là "cánh cửa đã hé mở" rất quan trọng.

Quyết tâm phục hồi

Cũng tại Tọa đàm trên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho hay, từ giữa tháng 11/2021, UBND Thành phố đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc thí điểm tổ chức đón khách quốc tế sử dụng "hộ chiếu vaccine" theo nguyên tắc "an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn" và phù hợp với chủ trương của chính phủ.

Năm 2022, trong giai đoạn 3 với mục tiêu là khôi phục toàn bộ hoạt động du lịch, không có giới hạn về quy mô cũng như các dịch vụ đi kèm, TP. Hồ Chí Minh đã vạch ra các mục tiêu trọng tâm gồm:

Thứ nhất, đánh giá lại hiệu quả của giai đoạn 1 và 2 để có những kế hoạch, bước đi phù hợp với điều kiện tình hình hiện tại.

Thứ hai, tham mưu với UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá an toàn dịch bệnh Covid-19 trong ngành du lịch để cho các đơn vị trong ngành có khung, tiêu chí để áp dụng theo, bảo đảm an toàn của du khách đến với TP. Hồ Chí Minh.

Thứ ba là phối hợp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp quảng bá các thương hiệu trên tất cả nền tảng, đặc biệt là chuyển đổi công nghệ số và đưa các thông tin đến với bạn bè quốc tế. Phương thức là đưa các sàn thương mại điện tử, công nghệ thông tin vào quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp.

Thứ tư là xác lập, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng bản sắc, đặc trưng của Thành phố để thu hút khác du lịch đến với Thành phố trong năm 2022 và những năm tiếp theo, xác định giá trị cốt lõi là “Cởi mở, sống động, hứng khởi, hướng về tương lai”.

Hình ảnh TP. Hồ Chí Minh trong chiến dịch quảng bá mới của ngành du lịch Thành phố. (Nguồn: Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh xác định, việc xây dựng sản phẩm của ngành du lịch là nhiệm vụ rất quan trọng và trọng tâm, theo đó, Sở Du lịch Thành phố đã lên lộ trình cho việc làm mới các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời xây dựng các tour, tuyến mới để thu hút khách nội địa, khách quốc tế có ứng dụng công nghệ thông tin.

Cùng với đó, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng hướng tới tập khách hàng nội thành, khi giới thiệu cho người dân thành phố mang tên Bác những "ngóc ngách nhỏ" mà chính người dân sinh sống ở đây đôi khi còn chưa khám phá hết.

Theo bà Bình, từ các chương trình đó, các doanh nghiệp sẽ khai thác, xây dựng cho mình chương trình thật hấp dẫn, thu hút khách du lịch cũng như kiều bào về thăm Thành phố.

Dù Covid-19 còn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện biến chủng mới, tuy nhiên, với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng của TP. Hồ Chí Minh và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành cũng như Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng, bước sang năm mới 2022, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung sẽ lại “cất cánh”.