📞

TPHCM cần đẩy nhanh xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng

16:00 | 26/09/2016
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng cần chú trọng cả phòng và chống với tinh thần quyết liệt, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, không có “vùng cấm địa” để tạo sự chuyển biến rõ rệt, củng cố lòng tin của nhân dân.

Sáng 26/9, tại TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác đấu tranh PCTN và lãng phí.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác đấu tranh PCTN và lãng phí. (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Tham dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (KSNDTC) Lê Minh Trí, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và ban, ngành TPHCM.

Đại diện Thành ủy TPHCM đã thông báo với đoàn công tác về tình hình, kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN và lãng phí".

Theo đó, cơ quan điều tra (Công an TPHCM) đã thụ lý điều tra 156 vụ/400 bị can với tội danh tham nhũng; kết thúc điều tra, chuyển sang viện kiểm sát đề nghị truy tố 139 vụ/366 bị can; tổng giá trị tài sản thiệt hại, phạm tội trên 618 tỷ đồng và 136.000 USD, thu hồi cho Nhà nước số tiền trên 45,8 tỷ đồng.

Đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ, nhân viên thừa hành nhiệm vụ; một số bị can là cán bộ lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các công ty, ngân hàng, đơn vị sự nghiệp như: Giám đốc sở, chủ tịch UBND quận, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng ban,…

Ngành tòa án Thành phố đã đưa ra xét xử 159 vụ/451 bị cáo; trong đó, có những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Nhìn chung, việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm minh, đúng luật, có tác dụng răn đe.

Từ năm 2011-2014, có 951 cuộc thanh tra kinh tế-xã hội, tổng số sai phạm về kinh tế là hơn 1.056 tỷ đồng, hơn 134.082 m2 đất và 7 căn nhà. Tổng số các tổ chức, cá nhân có sai phạm là 526 tập thể, 1.325 cá nhân. Kiến nghị xử lý hành chính 1.851 vụ; chuyển cơ quan điều tra 34 vụ; kiến nghị thu hồi về cho ngân sách Nhà nước hơn 546 tỷ đồng, hơn 134.082 m2 đất, 7 căn nhà và kiến nghị xử lý khác về kinh tế hơn 510 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng chỉ rõ, tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Người dân, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng với kết quả cải cách hành chính trên một số lĩnh vực; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong lĩnh vực PCTN chưa được tập trung đúng mức…

Toàn cảnh buổi tiếp. (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng về phát triển kinh tế-xã hội với nguồn thu đóng góp lớn nhất cho cả nước, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước nói chung, cũng như kết quả công tác PCTN, lãng phí của Đảng bộ TPHCM trong những năm qua.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: PCTN lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của chế độ. Do đó, Thành phố cần thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa những mục tiêu, quan điểm, giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X).

Quá trình thực hiện cần chú trọng cả phòng và chống với tinh thần quyết liệt, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, không có “vùng cấm địa” để tạo sự chuyển biến rõ rệt, củng cố lòng tin của nhân dân.

Thời gian tới, Thành ủy TPHCM cần chú trọng một số nhiệm vụ sau: Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiền phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác PCTN; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động, xây dựng văn hóa PCTN.

Tập trung chỉ đạo việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các thể chế về quản lý kinh tế-xã hội phù hợp với TPHCM để phòng ngừa và đấu tranh PCTN; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang thực hiện hiệu quả thấp; chú trọng công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCTN, nhất là ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý và sử dụng đất đai, quy hoạch, kiến trúc, dự án đầu tư, xây dựng cơ bản; thu, chi ngân sách, sử dụng tài sản công; thuế, cổ phần hóa và tài chính trong các doanh nghiệp; thực hiện chính sách an sinh xã hội; công tác cán bộ.

Nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN, lãng phí; tăng cường giám sát và chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm.

Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Thành phố cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình tiến hành cần xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung xử lý những vụ mang tính tập thể, có tổ chức; xử lý kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng, tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc “có vụ việc thì phải xác minh làm rõ, có dấu hiệu phạm tội thì phải tiến hành điều tra, có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố, có cáo trạng thì phải nghiên cứu đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời”.