Ngày 16/6, tại Hà Nội, Tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” đã được tổ chức dưới sự dẫn dắt của TS. Phan Thị Thùy Trâm, Tổng thư ký Hội nữ trí thức Việt Nam cùng sự tham gia của hơn 50 nhà báo, chuyên gia truyền thông và nhà hoạt động xã hội vì cộng đồng dân tộc thiểu số.
Tọa đàm do Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và tạp chí Ngày Nay tổ chức, thuộc dự án “Chúng tôi có thể - Hướng tới mức sống và giáo dục tốt hơn”, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Hà Nguyễn) |
Dự án được UNESCO triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa tổ chức này với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, với sự hỗ trợ tài chính từ tập đoàn CJ của Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số tại Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.
Tiếng nói tích cực
Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến cho các trường học đóng cửa và gây ra sự gián đoạn học tập lớn nhất trong lịch sử.
Chỉ riêng tại Việt Nam, đại dịch đã làm gián đoạn việc học tập của khoảng 21 triệu trẻ em. Tác động này còn nghiêm trọng hơn ở trẻ em gái - những người mà việc học tập đối với họ còn mang nhiều nghĩa hơn chứ không chỉ là chiếc "chìa khóa" duy nhất để mở cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn của mình.
Ông Christian Manhart nhấn mạnh, trong công cuộc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, UNESCO ghi nhận sức mạnh không thể phủ nhận của báo chí trong việc tạo ra ảnh hưởng tới công chúng và kêu gọi các bên liên quan thực hiện các hành động cần thiết.
Ông nói: "UNESCO tin tưởng báo chí trong việc khắc họa những hình ảnh đa chiều tích cực về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, đồng thời kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nền giáo dục công bằng, an toàn và không phân biệt đối xử cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái".
Tại tọa đàm, TS. Phan Thị Thùy Trâm đã cùng các diễn giả trình bày nhiều góc nhìn chân thật, sinh động về cuộc sống thực tế, những giải pháp và sự tham gia của báo chí trong việc giáo dục, xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn cho trẻ em gái dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý, nhà báo Nguyễn Bông Mai - tạp chí Ngày Nay, đã chia sẻ những khám phá của mình về câu chuyện giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số do chị thu thập từ Hành trình 99 ngày xuyên Việt đến với các cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong khoảng thời gian ấy, chị đã dành rất nhiều thời gian để chụp những bức ảnh về phụ nữ, trẻ em và ghi lại các câu chuyện của họ.
In dấu trong hành trình của nhà báo Bông Mai là những câu chuyện, những ước mơ lấp lánh trong đôi mắt của những đứa trẻ nơi vùng núi xa xôi; là những câu hỏi mà chị đau đáu tìm lời giải: Bao giờ những cô bé của tôi được bước đến tương lai rộng lớn, đẹp đẽ?
Bông Mai chia sẻ: “Báo chí hôm nay có thể làm được gì trong việc thúc đẩy nhận thức về giá trị của bản thân, về tương lai của chính những đứa trẻ có đôi mắt long lanh mà tôi gặp nơi vùng cao?
Tôi thấy tiếc vì những trang viết dài, đầy tâm huyết của rất nhiều nhà báo khó có thể đến tận tay hoặc nếu có đến thì không dễ dàng thôi thúc đồng bào thay đổi. Nhưng, tôi mong muốn thấy những bài viết, tác phẩm truyền đi thông điệp tích cực vào nỗ lực xây dựng cuộc sống tương lai cho các em nhỏ ngay từ lúc này”.
Sức mạnh từ sự chung tay
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung trả lời câu hỏi “Báo chí có thể làm gì hơn nữa bên cạnh việc phản ánh thông tin khách quan” để có thể khai thác những cách tiếp cận bền vững hơn, giúp phát huy nội lực của trẻ em gái dân tộc thiểu số.
Diễn giả Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng gám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO (Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam) mang đến góc nhìn về vai trò của báo chí trong vấn đề giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số.
Ông cho biết, khi đến tọa đàm này, ông đắn đo giữa 3 tư cách phát biểu khi đã có hơn chục năm làm báo, cũng là thành viên của nhiều quỹ xã hội và tổ chức phi chính phủ với các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời cũng là một người dân tộc thiếu số.
Với những trải nghiệm từ bản thân, ông cho rằng, báo chí không nhất thiết phải là những người đưa ra lời giải trực tiếp về vấn đề thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số, nhưng ngay trong chình phản ánh khách quan sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho xã hội.
Các đại biểu tham dự cùng thảo luận về những hình ảnh khắc họa thường thấy ở báo chí khi đưa tin về người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Hà Nguyễn) |
Nhà báo Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội UNESCO, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay khẳng định: “Trong kỷ nguyên Internet dư thừa thông tin, làm thế nào để thu hút được sự chú ý của cộng đồng và kêu gọi các bên hành động nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số là thách thức với mỗi nhà báo.
Nhưng tôi tin rằng, chỉ cần có thực tâm, chúng ta sẽ tìm được những phương cách đủ sáng tạo, tinh tế, để kiến tạo một xã hội bình đẳng và tạo ra một bức tranh tương lai tươi sáng cho trẻ em gái dân tộc thiểu số".
Ông Mạnh cũng mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà báo cùng chung tay và sẽ là những ngòi bút tiên phong thực hiện sứ mệnh thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số.
Chiến dịch “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” do Liên minh giáo dục toàn cầu UNESCO phát động và được triển khai trên toàn thế giới từ năm 2020, nhằm kêu gọi gìn giữ những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục cho trẻ em gái, đảm bảo việc tính liên tục trong học tập của họ, đồng thời thúc đẩy trẻ em gái trở lại trường một cách an toàn khi trường học mở cửa trở lại. Dự án “Chúng tôi có thể - Hướng tới mức sống và giáo dục tốt hơn” tiếp cận khoảng 16.000 người, gồm học sinh dân tộc thiểu số tại 24 trường trung học cơ sở, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ giáo dục, cha mẹ học sinh và người dân cộng đồng tại Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng, trong đó, có 6.000 trẻ em gái trong độ tuổi từ 11-14. |