Tại thời điểm này, trái phiếu vĩnh viễn có thể rất hữu ích đối với các nước EU. (Nguồn: CNBC) |
Ba Lan và Hungary đã phủ quyết ngân sách tiếp theo của EU và quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong khi đó, nhóm các quốc gia được mệnh danh là “Frugal Five”- liên minh “khắc khổ” gồm Áo, Đan Mạch, Phần Lan Hà Lan và Thụy Điển- lại quan tâm đến việc thắt chặt chi tiêu hơn là đóng góp cho lợi ích chung.
Các nhà đầu tư sẽ chỉ mua trái phiếu vĩnh viễn từ một tổ chức mà họ tin tưởng sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai gần. Điều đó đúng với trường hợp nước Anh vào thế kỷ 18 (khi phát hành công trái hợp nhất- Consols) và nước Mỹ thế kỷ 19 (khi hợp nhất nợ của các bang riêng lẻ). Đáng buồn thay, chuyện đó không còn đúng với trường hợp của EU ngày nay.
EU đang lâm vào một tình huống khó khăn. Liên minh đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai có nguy cơ tàn phá kinh khủng hơn đợt một. Các quốc gia thành viên đã sử dụng hầu hết các nguồn tài chính của mình để chống chọi với đợt dịch đầu tiên.
Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi nền kinh tế sẽ cần nhiều hơn 1,8 nghìn tỷ Euro (khoảng 2,2 nghìn tỷ USD) trong gói ngân sách mới và quỹ phục hồi kinh tế với tên gọi Thế hệ Tiếp theo của EU. Dù gì đi chăng nữa, Hungary và Ba Lan đã phủ quyết các nguồn quỹ này.
Thủ tướng Hungary Victor Orbán lo ngại rằng điều khoản mới của EU sẽ đặt ra những giới hạn thực tế đối với hành vi tham nhũng cá nhân và chính trị của ông. Ông Orbán lo lắng đến mức đã ký một thỏa thuận hợp tác mang tính ràng buộc với Ba Lan, kéo quốc gia này ngồi cùng thuyền với mình.
Một cách dễ dàng để vượt qua quyền phủ quyết là sử dụng thủ tục hợp tác nâng cao (trong đó tối thiểu 9 quốc gia thành viên EU được phép hợp tác nâng cao trong khuôn khổ EU). Thủ tục này đã được hợp thức hóa trong Hiệp ước Lisbon với mục đích rõ ràng là tạo cơ sở pháp lý để hội nhập hơn nữa trong khu vực Eurozone.
Tuy nhiên trên thực tế, thủ tục này chưa bao giờ được sử dụng vì mục đích đó. Hàm ý lớn của thủ tục này là nó có thể được sử dụng cho các mục đích tài chính. Một nhóm nhỏ các quốc gia thành viên có thể thiết lập ngân sách và nhất trí với nhau về hình thức tài trợ- ví dụ, thông qua một trái phiếu chung.
Tại thời điểm này, trái phiếu vĩnh viễn có thể rất hữu ích. Các trái phiếu này sẽ được phát hành bởi các quốc gia thành viên mà việc duy trì sự tồn tại của nó sẽ được các nhà đầu tư dài hạn như các công ty bảo hiểm nhân thọ sẵn sàng chấp nhận.
Trái phiếu vĩnh viễn mang lại một lợi thế lớn là tiền gốc không phải hoàn trả lại mà chỉ phải trả tiền lãi hàng năm khi đến hạn. Giá trị hiện tại được chiết khấu của các khoản thanh toán lãi suất trong tương lai giảm dần theo thời gian- giá trị này sẽ dần tiệm cận nhưng không bao giờ đạt mức bằng 0.
Một nguồn tài chính nhất định- ví dụ, 1,8 nghìn tỷ Euro theo kế hoạch- sẽ tăng gấp nhiều lần nếu số tiền này được sử dụng để phát hành trái phiếu vĩnh viễn thay vì trái phiếu thông thường. Điều này sẽ giải quyết phần lớn các vấn đề tài chính của châu Âu. Nếu một quốc gia phát hành trái phiếu vĩnh viễn, sẽ có thêm một lợi thế nữa là các quốc gia châu Âu khác sẽ lấy đó làm gương để noi theo.
"Nhóm Frugal Five nên nhận thấy rằng trái phiếu vĩnh viễn đặc biệt hấp dẫn. Nhưng rốt cuộc thì nhóm này vẫn luôn có xu hướng tiết kiệm", tác giả George Soros bình luận trên trang Project Syndicate.
Theo chuyên gia này, Italy không nằm trong số các quốc gia đủ may mắn để có thể phát hành trái phiếu vĩnh viễn dưới danh nghĩa quốc gia, nhưng Italy cần những lợi ích này hơn các quốc gia khác. Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 của EU- EU sẽ ra sao nếu không có Italy?
"Sẽ là một cử chỉ đoàn kết tuyệt vời nếu các quốc gia- những nước bán trái phiếu vĩnh viễn với danh nghĩa của riêng họ- đảm bảo việc phát hành của Italy. Điều này sẽ củng cố EU và từ đó mang lại lợi ích gián tiếp cho cả liên minh. Cuối cùng, EU có thể phát triển đủ mạnh để phát hành trái phiếu vĩnh viễn dưới danh nghĩa cả liên minh. Đó là một mục tiêu đáng để phấn đấu", tác giả George Soros nhận định.
| Châu Âu: Những ngày không yên ả vì Covid-19 và một nền kinh tế đang 'lâm nguy' TGVN. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái kép lần đầu tiên trong gần ... |
| 'Vật lộn' với làn sóng Covid-19 thứ 2, châu Âu chuẩn bị vay nợ khủng TGVN. Châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai và nhiều khả năng khu vực này sẽ lại một lần nữa ... |
| 'Cú sốc' Covid-19 đối với kinh tế châu Âu đã thực sự bắt đầu TGVN. Sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán cho thấy cuộc khủng hoảng thực sự có thể đã bắt đầu tại châu Âu. Đó ... |