Tham dự Tọa đàm có đại diện của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), (Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội), Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), cùng nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan.
Nhận thức về trầm cảm sau sinh còn ít ỏi?
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Vinh (Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em – Bộ Y tế) cho rằng, thời gian vừa qua có một số trường hợp đáng tiếc xảy ra, xuất phát từ chứng trầm cảm sau sinh. Trong đó, cũng có một phần trách nhiệm của ngành y tế. Nhưng cũng có một phần nguyên nhân khách quan khác từ phía xã hội và gia đình. Thực tế, cán bộ y tế vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, chưa có nhận thức đúng, chưa có những hành động đúng về chăm sóc đảm bảo an toàn.
"Vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như của cán bộ y tế. Đồng thời, đưa ra một vấn đề gợi mở để ngành y tế có thể đáp ứng, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nói chung, của các bà mẹ nói riêng. Về lâu dài, khi những nghiên cứu đủ mạnh, đủ sức thuyết phục, chúng ta có thể đề xuất để có can thiệp cụ thể" - Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh cho biết..
Toàn cảnh tại tọa đàm. (Ảnh: PK) |
Đặc biệt, Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng xử tâm lý. Ông cho rằng: "Chỉ một ứng xử không phù hợp, không đúng mực sẽ để lại hậu quả khôn lường với những đối tượng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, để can thiệp và có kết quả tích cực cũng cần một lộ trình nhất định để nâng cao chất lượng sống của người dân nói chung, của các bà mẹ nói riêng".
Bà Hoàng Tú Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết: "Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để có chính sách về y tế giúp cải thiện, chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Nhưng thực tế, ở Việt Nam, nhận thức về vấn đề này đang còn ít ỏi. Ngay cả các bác sĩ khi nhìn lại và giật mình bởi chính họ cũng trải qua một giai đoạn trầm cảm sau sinh mà bản thân họ cũng không hề nhận ra".
Điều đáng nói, việc đào tạo về trầm cảm và sức khỏe tâm thần nói chung, đặc biệt là trầm cảm sau sinh không phải là mục được nhấn mạnh trong ngành y tế. Do vậy, bà Hoàng Tú Anh đề cao sự phối hợp giữa các đơn vị của ngành y tế và cơ quan truyền thông rất quan trọng. Theo đó, theo bà Hoàng Tú Anh, lúc này chỉ là gợi mở, xới lên vấn đề này, bởi nhìn lại những nghiên cứu ở Việt Nam, trầm cảm sau sinh đã bắt đầu từ rất lâu.
Cần sàng lọc và phát hiện trầm cảm sớm
Năm 2007, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức hội thảo tham vấn các chuyên gia quốc tế về vấn đề trầm cảm sau sinh ở Việt Nam và đã đưa ra bản khuyến nghị rất dài. Họ cho rằng, tỉ lệ trầm cảm ở Việt Nam rất cao. Nguyên nhân do bối cảnh người phụ nữ quá nhiều áp lực, lo lắng, đồng thời bạo lực gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Trầm cảm sau sinh là một rối loạn nguy hiểm có tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh. Theo WHO, có khoảng 10 - 20% phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm. Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ này thường cao hơn nhiều và một nghiên cứu mới đây ở Việt Nam đã cho thấy có tới 1/4 phụ nữ có thể bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác trong vòng một năm sau khi sinh con.
Phụ nữ sau sinh cần được tư vấn đầy đủ để tránh tình trạng trầm cảm. (Nguồn: Sức khỏe và Đời sống) |
Bạo lực gia đình và các phong tục, tập quán truyền thống đối với phụ nữ sau sinh làm tăng nguy cơ trầm cảm và thường gây ra các hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh/ trẻ em. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho đứa trẻ của mình. Gần đây, một số trường hợp đáng tiếc xảy ra đã được đề cập đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng.
Cũng tại tọa đàm, Nghiên cứu sinh Trần Thơ Nhị (Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội) cho rằng, trầm cảm sau sinh là nguyên đứng hàng thứ hai gánh nặng cho y tế toàn cầu (theo WHO). "Tỉ lệ trầm cảm sau sinh dao động từ 4,3% đến 43,9%. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy hậu quả của thực trạng này là buồn phiền, lo âu, căng thẳng, thậm chí có ý định tự tử. Trong đó, nguyên nhân thường do trình độ học vấn thấp, thất nghiệp, thiếu sự hỗ trợ xã hội, bạo lực gia đình, Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong nghiên cứu về vấn đề này" - Nghiên cứu sinh Trần Thơ Nhị chia sẻ.
Nói về giải pháp, bà Phạm Kiều Linh (CCIHP) cho biết, cần nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị, định kiến của cộng đồng đối với trầm cảm khi mang thai/ sau sinh và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Phụ nữ mang thai và sau sinh cần được sàng lọc và phát hiện trầm cảm – từ cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và cơ sở y tế. Các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ phụ nữ mang thai và sau sinh trầm cảm cần có sự kết nối và được phổ biến rộng rãi.