Nhiều sinh viên “gõ cửa” các Trung tâm để tìm việc làm thêm. |
Với mục đích là có tiền để tiêu Tết, sinh viên thường không chê bất kì công việc gì miễn là nó lương thiện và thời gian hợp lý so với lịch trình học, thi của họ. Phần đông sinh viên làm thêm mùa Tết là người ngoại tỉnh nhưng cũng có không ít cậu ấm, cô chiêu người thành thị muốn làm thêm để hiểu rõ giá trị đích thực của đồng tiền do chính tay họ tự kiếm ra.
Không may mắn như nhiều người, Lê Thu Thủy, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Ngoại thương cũng lo kiếm việc làm thêm khá lâu nhưng vẫn chưa được. Tự đi xin, nhờ vả bạn bè mà chưa nơi đâu nhận, Thủy tới một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Láng, được yêu cầu nộp tiền "đặt cọc" và phí hồ sơ. Vì muốn đi làm ngay nên Thủy đành vay 200.000 đồng để trả cho trung tâm với hy vọng tìm được việc sẽ trả lại. Năm lần bảy lượt qua hỏi, trung tâm ấy đều nói... cố gắng chờ và khi Thủy nhận ra đây là trung tâm "ma" thì mọi sự đã lỡ.
Với những ai đi làm thêm chỉ đơn thuần là kiếm chút tiền để tiêu cho riêng bản thân, hay mua một chút quà Tết cho gia đình thì việc có kiếm được việc làm thêm hay không cũng không quá quan trọng. Nhưng với không ít sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vừa đi học, vừa lo toan cuộc sống cho mình và gia đình thì Tết đến, nỗi lo của họ càng thêm trĩu nặng, nhất là khi giá cả tăng vọt như hiện nay.
Nguyễn Văn Nam (quê Thanh Hóa), sinh viên ĐH Thủy lợi là một trường hợp như vậy. Bố mất sớm, mẹ đau ốm, vì thế hàng tháng cậu phải chi tiêu thật tằn tiện để dành tiền nuôi mẹ và em. Nam kể: "Không chỉ đi làm dịp Tết mà quanh năm em đều phải kiếm việc làm bởi nếu không sẽ lấy đâu ra tiền để đi học. Dịp cuối năm, ngoài đi làm thêm cho một hiệu ăn trên phố vào buổi sáng, chiều về đi học, tối đến em lại chạy thêm xe ôm". Nam chỉ mong sẽ lo được cho gia đình một cái Tết đạm bạc, để bàn thờ tổ tiên không bị lạnh khói hương.
Dù sinh viên đi làm thêm với mục đích gì: kiếm tiền cho vui, cho biết giá trị đích thực của sức lao động và đồng tiền, hay là bươn trải lo toan mưu sinh thì cũng thật đáng quý. Tuy nhiên, các sinh viên cũng không nên quên nhiệm vụ hàng đầu là học tập và cần sắp xếp thời gian biểu, cân bằng giữa học và làm cho hợp lý.
Trần Anh (Học viện BC&TT)