TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Đó là nhận định của TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại tọa đàm “Triển vọng kinh tế thế giới và khu vực năm 2019 - 2020 và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered tổ chức gần đây.
FTA dày đặc khiến lợi ích bị triệt tiêu
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), trong đó, 10 FTA đang có hiệu lực, 2 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực, 1 FTA đã hoàn tất đàm phán nhưng chưa ký và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Tổng số đối tác đang có FTA với Việt Nam là 21. Khi tất cả 16 FTA này chính thức có hiệu lực ở Việt Nam, số đối tác mở cửa cho Việt Nam thông qua FTA sẽ là 57.
TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, Việt Nam đang kỳ vọng khá nhiều vào FTA và đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hai FTA này được đề cao bởi đây là hai thị trường mở, mức giảm thuế quan hấp dẫn và là những hiệp định có nhiều cam kết sau đường biên giới - cam kết liên quan đến việc sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, lực lượng lao động và cả tiêu chuẩn sản xuất.
TS. Toàn Thắng chỉ ra rằng, lợi ích của hai hiệp định này là quá rõ ràng, nhưng phần lớn lại nghiêng về chuyển hướng thương mại.
“Nói cách khác, trong khả năng sản xuất có hạn, số lượng hàng hóa xuất khẩu không đi liền với lợi ích mà thuế quan mang lại. Khi Việt Nam ký hiệp định với EU hay các nước trong khối CPTPP, việc tăng xuất khẩu với thị trường này sẽ đồng nghĩa với việc giảm xuất khẩu từ các thị trường khác”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tiếp đó, lợi ích mà các FTA mang lại sẽ không được như kỳ vọng. Theo phân tích của TS. Thắng, sức hấp dẫn của thị trường các khu vực trong khối CPTPP không quá lớn. Thị trường này hiện chỉ có ba đối tác lớn là Nhật Bản, Malaysia và Singapore trong khi Việt Nam đều đã ký kết một số hiệp định riêng với ba quốc gia này.
Chính vì thế, cho dù mức độ mở cửa thị trường và mức giảm thuế quan của CPTPP có thể cao nhưng giá trị gia tăng lại không nhiều.
Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội trên thị trường quốc tế do chưa tận dụng được các ưu đãi của các FTA. (Nguồn: Vietnambiz) |
Cũng theo ông Thắng, hiện tại, các mạng lưới FTA quá dày đặc khiến cho lợi ích của các FTA bị triệt tiêu lẫn nhau. Mặt khác, chi phí để doanh nghiệp Việt tìm hiểu thông tin về một FTA nào đó còn lớn hơn lợi ích mà các FTA mang lại cho đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.
Xét về tác động của Hiệp định CPTPP đến Việt Nam, TS. Toàn Thắng cho hay, năm 2018, Việt Nam tăng thêm 1,3% GDP, mức tăng này được đánh giá là khá thấp, bởi lẽ, hầu hết thị trường khối CPTPP đã có FTA với Việt Nam, giá trị gia tăng không nhiều.
Thêm vào đó, một số thị trường mới như Chile, Mexico, Canada không phải là trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu tăng thêm do hiệp định này mang lại cũng chỉ 4%, nhập khẩu tăng thêm một mức tương đương là 3,8%.
So với CPTPP, EVFTA có tác động rõ ràng hơn nhiều, do mức thuế quan ưu đãi của EU dành cho Việt Nam tương đối lớn. EU cũng là thị trường truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu một số ngành sẽ giảm và tác động về nhập khẩu tương đối nhiều. Lý do là Việt Nam muốn xuất khẩu nhiều sản phẩm sang EU thì cũng phải nhập một khối lượng sản phẩm tương tự từ thị trường này.
Tiếp nhận triệt để lợi ích, tự tin hội nhập thế giới
Trong quá trình tham gia các FTA, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với một số đối tác lớn gần như không thay đổi. Trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay, ngoài thị trường Mỹ thì phần còn lại của thế giới - một trong những mục tiêu khiến Việt Nam tăng cường tham gia FTA, chúng ta lại chưa tiếp cận được nhiều.
"Để tận dụng triệt để tiềm năng, lợi thế của các FTA, doanh nghiệp Việt cần tăng cường khả năng chống chịu với những ‘‘cú sốc’’ của thị trường quốc tế". (TS. Trần Toàn Thắng) |
Theo TS. Thắng, nghiên cứu năm 2014 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cứ năm doanh nghiệp Việt thì chỉ có một doanh nghiệp tận dụng được các điều kiện để hưởng thuế quan ưu đãi. Chính vì thế, Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trên thị trường quốc tế.
Thông thường, doanh nghiệp Việt Nam luôn đề cao tính đồng bộ, luôn tuân thủ theo một quyết định, một nghị quyết nhưng lại thiếu trọng tâm. TS. Toàn Thắng nhận thấy, trọng tâm trong công tác hội nhập là điều quan trọng mà Việt Nam cần ‘‘nhắm’’ đến để tiếp nhận triệt để lợi ích của các FTA nói chung và EVFTA, CPTPP nói riêng.
Theo đánh giá của ông Trần Toàn Thắng, khi tiếp cận các FTA, Việt Nam còn khá bị động. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần đặt trọng tâm vào vấn đề lên bản khung cho việc tham gia FTA; nâng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị hàng xuất khẩu chứ ko phải tăng số lượng; đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng với tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; liên tục cập nhật thông tin về các FTA và về thị trường các khu vực Việt Nam tham gia FTA cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, để tận dụng triệt để tiềm năng, lợi thế của các FTA, doanh nghiệp Việt cần tăng cường khả năng chống chịu với những ‘‘cú sốc’’ của thị trường quốc tế. Có như vậy, khi 16 FTA chính thức có hiệu lực ở Việt Nam, doanh nghiệp Việt mới có thể tự tin hội nhập thế giới.