Hiện Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm các đại sứ Mỹ theo cách truyền thống là đan xen giữa các nhà ngoại giao kỳ cựu cùng những quan chức có quan hệ cá nhân thân thiết với ông và đảng Dân chủ. (Nguồn: AP) |
Theo danh sách đề cử của Nhà Trắng, ông Biden sẽ chọn bà Caroline Kennedy làm Đại sứ Mỹ tại Australia. Bà Kennedy là cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, đồng thời là con gái của cựu Tổng thống John F. Kennedy, người bạn lâu năm, đồng minh và nhà tài trợ của Tổng thống Biden.
Bên cạnh đó, Tổng thống Joe Biden cũng đã chọn thị trưởng Los Angeles ông Eric Garcetti làm Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ. Mặc dù thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, nhưng ông Garcetti lại từng là người đại diện nổi tiếng của ông Biden trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng ông Biden sẽ cân nhắc cựu Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản.
Hiện Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm các đại sứ Mỹ theo cách truyền thống là đan xen giữa các nhà ngoại giao kỳ cựu cùng những quan chức có quan hệ cá nhân thân thiết với ông và đảng Dân chủ.
Các lựa chọn của ông Biden sẽ được xác nhận trong tuần này.
Truyền thống hay cấp tiến?
Đi ngược lại với quan điểm của Tổng thống Joe Biden, phe cấp tiến của đảng Dân chủ đang tạo áp lực để thay đổi truyền thống bổ nhiệm các quan chức cấp cao có quan hệ chặt chẽ với tổng thống.
Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren, cựu ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, là một trong số những người đã lập luận mạnh mẽ rằng các nhà ngoại giao dân sự chuyên nghiệp và các chuyên gia đối ngoại nên được bổ nhiệm làm đại sứ, bất kể mức độ thân thiết của họ với chính quyền hay số tiền mà họ quyên góp.
Một số nhà ngoại giao lâu năm cảm thấy thất vọng và mất niềm tin khi những lựa chọn đại sứ mới đây trái với lời ông Biden từng nói tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào đầu nhiệm kỳ Tổng thống: “Chúng tôi sẽ thúc đẩy các nhà ngoại giao chuyên nghiệp”.
Ông Brett Plitt Bruen, cựu nhân viên dịch vụ đối ngoại và giám đốc phụ trách toàn cầu trong nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama, nhận định rằng: “Ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới đang ở mức thấp trong lịch sử. Vì vậy việc bổ nhiệm các ông trùm điện ảnh, nhà thiết kế thời trang và những nhà tài trợ chính trị để 'sửa chữa' tình hình là trái ngược với những gì ông Biden từng nói”.
Ông Bruen cho biết xu hướng trong số các lựa chọn đại sứ chính trị của ông Biden là "tất cả đều có mối liên hệ cá nhân".
Ví dụ, ông Chesley Sullenberger, người dự kiến sẽ được chọn làm đại diện của Mỹ tại hội đồng của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), là cơ trưởng của hãng hàng không đã giải quyết vụ hạ cánh khẩn cấp của một chiếc máy bay US Airways trên sông Hudson vào năm 2009 mà không gây ra trường hợp tử vong nào, cũng là người đã từng đại diện cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden.
“Đây không phải cách lựa chọn đại sứ, đại diện cho nước Mỹ. Các đại diện Mỹ nên được bổ nhiệm dựa các tiêu chí an ninh quốc gia thay vì dựa trên mối quan hệ cá nhân với tổng thống”, ông Bruen đánh giá.
Sự thân cận với tổng thống là một trong những yếu tố quan trọng nhất, bởi các quốc gia muốn một đại sứ có thể trực tiếp trao đổi điện thoại với tổng thống. (Nguồn: T&C) |
Thân cận với Tổng thống và kinh nghiệm, điều gì quan trọng hơn?
Theo ông Adam Ereli, cựu Đại sứ Mỹ tại Bahrain, “sự thân cận với tổng thống” là một trong những yếu tố quan trọng nhất, bởi các quốc gia muốn một đại sứ có thể trực tiếp trao đổi điện thoại với tổng thống.
Quan điểm của Đại sứ Ereli là nên bổ nhiệm những đại sứ giỏi nhất đến những quốc gia quan trọng hàng đầu như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản ở châu Á; Đức, Anh, Pháp ở châu Âu...
Hiện nay nhiều thông tin cho rằng cựu Đại sứ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Nicholas Burns, là người được ông Biden chọn làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, một số nhà quan sát lưu ý rằng các vị trí ngoại giao cấp cao nhất do ông Biden bổ nhiệm đều có bề dày kinh nghiệm. Ví dụ như bà Jane Hartley, cựu Đại sứ Mỹ tại Pháp, đã được chính quyền ông Biden lựa chọn làm Đại sứ tại Anh.
Ngoài ra, ông Biden đã chọn Ken Salazar, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Thượng nghị sĩ từ Colorado, người từng là bộ trưởng nội vụ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama làm Đại sứ Mỹ tại Mexico.
Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Ngoại giao của chính quyền Obama ông Tom Nides, đã từng làm việc tại ngân hàng Morgan Stanley, được Tổng thống Biden đề cử làm đại sứ tại Israel.
Chính quyền Joe Biden cũng thông báo rằng Chánh văn phòng của phu nhân Jill Biden, bà Julissa Reynoso Pantaleón, một cựu đại sứ tại Uruguay, sẽ là đại sứ tại Tây Ban Nha.
Trong những ngày qua, Tổng thống Joe Biden đã đề cử cựu Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jeff Flake của Arizona làm đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ và cựu Thượng nghị sĩ Tom Udall của New Mexico làm đại sứ tại New Zealand.
Ông Biden cũng đề cử bà Cindy McCain, vợ của cố Thượng nghị sĩ John McCain của Arizona, làm đại diện cho Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO). Cựu Đại sứ Mỹ tại Bỉ Denise Bauer cũng đã được chọn làm đại sứ tại Pháp.
Theo cơ quan theo dõi đại sứ của Hiệp hội Dịch vụ Ngoại giao Hoa Kỳ (AFSA), tính đến ngày 30/7, trong 45 đề cử đại sứ của ông Joe Biden có 48,9% là nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tổng cộng có 189 vị trí đại sứ cần bổ nhiệm.
Chính quyền Biden tương đối chậm hơn so với các chính quyền tiền nhiệm trong việc bổ nhiệm các đại sứ quan trọng, trong khi việc đề cử và bổ nhiệm thẩm phán và quan chức trong các lĩnh vực khác của chính phủ liên bang đã nhanh chóng được tiến hành.
Theo cựu Đại sứ Eric Rubin, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Ngoại giao Hoa Kỳ (AFSA): “Ước tính 80 vị trí đại sứ vẫn chưa có người được bổ nhiệm. Khoảng một nửa trong số đó đã có đề cử nhưng chưa được xác nhận”.
Cựu Đại sứ này cho rằng thật khó hiểu khi nhiều đại sứ vẫn chưa được đề cử khi đã kết thúc tháng 7.
“Nếu Nhà Trắng nói rằng đó là do đang xem xét, thì câu hỏi đặt ra là tại sao mọi chính quyền khác lại làm được điều đó nhanh hơn?”, ông Rubin nhận định.
| Nga phản bác bình luận sốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden về ông Putin Ngày 1/8, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (VSR) Sergei Naryshkin cho rằng, nhận xét của Tổng thống Mỹ Joe Biden về ... |
| Tổng thống Joe Biden hành động cương quyết, thái độ của Mỹ đối với Trung Đông đã thay đổi Từ bỏ các căn cứ quân sự lớn ở Trung Đông và chuyển sang chiến thuật "bố trí phân tán" các căn cứ nhỏ là ... |