Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” là hoạt động nằm trong chương trình truyền thông kỷ niệm “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”, trong đó có chương trình truyền thông đặc biệt “60 năm hữu nghị Việt Nam - Lào: Chung dãy Trường Sơn” của VUFO.
Biểu diễn văn nghệ của các bạn trẻ Việt Nam-Lào tại buổi lễ. (Ảnh: Hà Anh) |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch VUFO cho biết cuộc thi là diễn đàn ôn lại những tháng ngày gian khổ, hào hùng, cùng chia ngọt sẻ bùi giữa những người anh em Việt-Lào trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác.
Với sự tham gia của đông đảo nhân dân hai nước Việt Nam-Lào thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền khác khau, cuộc thi với trên 6.000 bài dự thi đã mang tới cho chúng ta những câu chuyện cảm động về tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào.
Ông Nguyễn Văn Doanh nhấn mạnh: "Những kỷ vật đơn sơ nhưng rất đỗi thiêng liêng, chứa đựng những giá trị tinh thần cao quý, là nhân chứng sống động về tình đồng chí, tình gia đình, tình bạn, tình yêu, tình thày trò, tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt của hai dân tộc anh em đã kề vai sát cánh bên nhau".
Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang (bên trái) và Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Lào Trần Văn Túy trao giải Nhất cho hai tác giả. (Ảnh: Hà Anh) |
Thông qua cuộc thi, ông Khăm Keo Vong Phi La, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Viêng Chăn, Lào - người từng được tặng Huy chương hữu nghị của Việt Nam với thành tích xuất sắc trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước đã tìm được bố mẹ nuôi người Việt Nam. Đó là cụ Trần Văn Túc và cụ Dương Thị Mai (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).
Em Sard Yang (sinh năm 2008, tại Xiêng Khoảng, Lào) từng là bệnh nhân ung thư sang Việt Nam chữa bệnh đến nay gia đình em đã được kết nối trở lại thông qua Hội người Việt tại Xiêng Khoảng.
Nhiều tác giả sau khi gửi bài thi đã đến trao kỷ vật cho Ban tổ chức như ông Lê Reo (80 tuổi, Triệu Sơn, Thanh Hóa) trao tặng khoảng 60 kỷ vật, tác giả Dương Mạnh Việt (Thái Nguyên) gửi tặng 10 kỷ vật.
Hội đồng Giám khảo quyết định trao giải thưởng cho các tác giả/nhóm tác giả đạt giải thưởng cuộc thi, gồm: 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 7 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 5 giải Ấn tượng.
Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân (bên phải) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (bên trái) trao giải Nhì cho các tác giả. (Ảnh: Hà Anh) |
Tại buổi lễ, Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang bày tỏ niềm vui khi cuộc thi diễn ra trong thời gian không dài nhưng đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân hai nước tham gia, thể hiện nghĩa tình sâu nặng giữa hai dân tộc.
Theo Đại sứ, từ Vientiane đến chiến khu kháng chiến Hủa Phăn, từ tỉnh cực Bắc Phongsaly đến các tỉnh Nam Lào, từ những cựu binh đã từng tham gia kháng chiến đến các thế hệ thanh thiếu niên trẻ tuổi, đều đón nhận cuộc thi với tất cả tấm lòng.
Nhiều bài thi được đầu tư công phu, có nội dung phong phú, hình thức đa dạng, nhiều câu chuyện xúc động gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.
Phát biểu chúc mừng các tác giả được trao giải thưởng, Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh câu chuyện của các kỷ vật đã làm sống lại những ký ức sâu đậm về sự gắn bó keo sơn của người dân hai nước và sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước để chúng ta có cuộc sống hoà bình hiện nay.
Đại biểu tham dự lễ trao giải cuộc thi 'Kỷ vật kể chuyện' chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Hà Anh) |
"Thành công của cuộc thi là một đóng góp có ý nghĩa vào Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Những câu chuyện chúng ta được nghe hôm nay càng thôi thúc chúng ta nỗ lực nhiều hơn nữa để trao truyền cho thế hệ mai sau về truyền thống đoàn kết, hữu nghị của các thế hệ cha ông, cũng như viết tiếp những trang mới vẻ vang của thiên tình sử Việt-Lào", bà Nguyễn Phương Nga chia sẻ thêm.
Chủ tịch VUFO tin rằng nhân dân hai nước sẽ có nhiều hơn nữa các câu chuyện xúc động và cũng sẽ có thêm nhiều cách làm hay để tôn vinh, nhân rộng những tấm gương của các cá nhân, tập thể, địa phương có nhiều đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào, góp phần vào việc vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện" do tạp chí Thời Đại phối hợp với Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam- Lào và Hội hữu nghị Lào-Việt Nam tổ chức. Ban Tổ chức đã tiếp nhận 6.215 bài viết, với sự tham gia của 48 đơn vị, hàng chục địa phương và hàng ngàn tác giả cá nhân ở Việt Nam và Lào. Phía Việt Nam, toàn bộ hệ thống hội Hữu nghị Việt Nam-Lào từ cấp trung ương đến huyện, xã, Hội Cựu chiến binh, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Hội Việt-Lào anh em. Gần 20 trường đại học, cao đẳng có khoa tiếng Lào, hệ thống Bộ đội Biên phòng các tỉnh giáp biên, kết nghĩa với Lào; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an… Các tập đoàn, tổ chức kinh tế kinh doanh hợp tác với Lào, các văn nghệ sĩ. Phía Lào cũng được phát động và tham gia của các hệ thống tương tự như ở Việt Nam. Trong số các tác giả tham gia Cuộc thi, có 50% là cựu chiến binh; 30% là các lưu học sinh; ngoài ra còn có sự tham gia của quan chức Lào, nhạc sĩ, ca sĩ, Á hậu, nhà báo, sinh viên, người dân. Người trẻ nhất mới 18 tuổi, và lớn tuổi nhất là 100 tuổi. Đa số bài thi của các tác giả từ 60 đến 80 tuổi. Kỷ vật chủ yếu được trao tặng trong thời kỳ kháng chiến. Người tham gia thi trẻ tuổi kỷ vật thường gắn với quà tặng trong học tập, khen thưởng và đồ dùng phòng chống dịch Covid-19. |