Các nhà báo trên tàu Cảnh sát biển Philippines chụp ảnh tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, trong một nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội đóng tại một tàu Philippines mắc cạn, ở Biển Đông, ngày 8/9/2023. (Nguồn: REUTERS/Jay Ereno) |
Ông Carl O.Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết: “Lực lượng dân quân biển Trung Quốc (PAFMM) không đánh bắt cá. Họ có vũ khí tự động trên tàu và thân tàu được làm từ thép kiên cố, khiến chúng trở nên rất nguy hiểm khi ở cự ly gần. Tàu có tốc độ tối đa từ 18 đến 22 hải lý/giờ, nhanh hơn 90% so với các tàu đánh cá thông thường”.
Trong một báo cáo công bố vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Trung Quốc có 84 tàu dân quân biển, tất cả được giao cho một đơn vị hoạt động ở đảo Hải Nam quản lý. “PAFMM là một trong những lực lượng chuyên nghiệp của Trung Quốc, được trả lương một cách độc lập và không liên kết với các nghĩa vụ đánh bắt cá để phục vụ cho mục đích thương mại. Các thành viên của họ được tuyển dụng từ các cựu chiến binh”.
Câu chuyện “một nửa sự thật”
Ngạn ngữ Nga có câu “Một nửa sự thật không phải là sự thật”. Một số học giả Trung Quốc như Chen Xiangmiao[1], Lei Xiaolu[2] bình luận dân binh biển Việt Nam cản trở hoạt động của Trung Quốc, đang được trang bị vũ khí... Sự thật là Việt Nam quy định rõ ràng, minh bạch về vị trí của dân quân tự vệ biển (Maritime militia and self-defence force) trong các văn bản luật, tài liệu quốc phòng chính thức.
Cụ thể, Luật Dân quân Tự vệ năm 2009 của Việt Nam quy định, “Dân quân tự vệ biển là lực lượng thuộc dân quân tự vệ nòng cốt được tổ chức ở cấp xã ven biển, xã đảo và cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển để làm nhiệm vụ trên các vùng biển Việt Nam”.
Sách trắng Quốc phòng mới nhất của Việt Nam năm 2019 cũng nêu rõ dân quân tự vệ biển nằm trong tổ chức dân quân tự vệ. Trong thời bình, dân quân tự vệ nói chung có nhiệm vụ vừa lao động sản xuất, đồng thời tham gia công tác giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới.
Trong khi đó, lực lượng dân binh biển của Trung Quốc là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thứ nhất, bản chất mập mờ, không chính danh. Các văn bản chính thức về an ninh, quốc phòng của Trung Quốc không hề đề cập “dân binh biển”, như Điều lệ Công tác Dân binh năm 2011, Luật Quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997 hay phiên bản Luật Quốc phòng mới nhất năm 2020.
Sách trắng Quốc phòng đầu tiên của Trung Quốc năm 1998 và phiên bản mới nhất năm 2019 cũng không đề cập tới dân binh biển, dù đều nhắc tới dân binh. Trung Quốc cũng công khai tuyên bố không sở hữu dân binh biển. Cụ thể, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tháng 4/2016, trả lời câu hỏi của phóng viên liệu Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu cá để thúc đẩy yêu sách biển, Người phát ngôn Lục Khảng cho hay không có cơ sở có bình luận như vậy.
Xuồng cao su Philippines áp sát 6 tàu vỏ sắt Trung Quốc được cho là thuộc quyền quản lý của dân binh Trung Quốc. (Nguồn: PCG) |
Gần nhất vào tháng 3/2021, khi Philippines cáo buộc Trung Quốc triển khai dân binh biển ở Đá Ba Đầu, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines tuyên bố, “Các tàu cá Trung Quốc đang trú ẩn do biển động. Không tồn tại lực lượng dân binh biển ở Trung Quốc”.
Thứ hai, lực lượng hiện diện trong ít nhất 08 vụ va chạm với các nước ở Biển Đông kể từ năm 2009. Cụ thể là sự kiện tàu Impeccable 2009; Vụ đối đầu Bãi cạn Scarborough năm 2012; Vụ hạ đặt giàn khoan HD-981 năm 2014; Bao vây Thị tứ năm 2018; Tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm Bãi tư chính năm 2019; Tập trung số lượng lớn tàu ở Đá Ba đầu năm 2021; hăm dọa tàu nghiên cứu M/V DA BFAR của Philippines năm 2022; Ngăn chặn tàu tiếp tế Philippines ở Bãi Cỏ Mây năm 2023.
Và quan trọng nhất, dân binh biển Trung Quốc đang thực thi yêu sách “đường lưỡi bò” được coi là quá mức, không có cơ sở pháp lý. Tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016 đã bác bỏ các yêu sách quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”.
Chiều hướng phát triển
Theo tờ China Daily năm 2013 Trung Quốc có 439.000 tàu cá gắn động cơ hoạt động trên biển và 21 triệu ngư dân, đứng đầu thế giới. Đây là nguồn lực khổng lồ để Trung Quốc triển khai hoạt động dân binh biển. Trả lời phỏng vấn tờ Global Times tháng 6/2012, Giám đốc Doanh nghiệp đánh bắt cá Bảo Sa ở Hải Nam Hà Kiên Bân từng cho rằng, “Nếu đưa 5.000 tàu cá của Trung Quốc vào Biển Đông, thì sẽ có 100.000 ngư dân.
Nếu đào tạo tất cả thành dân binh và đưa họ vũ khí, đây là lực lượng quân sự mạnh hơn tất cả các nước Biển Đông gộp lại”. Trong ngắn hạn, Trung Quốc tiếp tục sử dụng dân binh biển. Thực tế chứng minh xu hướng này khi số lượng tàu dân binh Trung Quốc tăng mạnh ở Trường Sa vài năm trở lại đây.
Các nước gần đây đã phản ứng mạnh mẽ hơn đối với lực lượng dân binh biển Trung Quốc. Trong vụ Đá Ba Đầu năm 2021, Mỹ là quốc gia phản ứng đầu tiên ở nhiều cấp, chỉ trích Trung Quốc dùng dân binh biển để “đe dọa và khiêu khích” trong khi Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản luôn đề cập về dân binh biển kể từ năm 2017 tới nay.
Sự tích cực của Mỹ, Nhật Bản đã khuyến khích các nước khác lần đầu lên tiếng về dân binh biển, như Canada ngày 11/7/2021 ra tuyên bố nhân kỷ niệm 5 năm Phán quyết, trong đó phản đối hành động hăm dọa của dân binh biển Trung Quốc. Đặc biệt, Thượng đỉnh Quad ngày 24/5/2022 lần đầu tiên đề cập dân binh biển trong Tuyên bố chung.
Giải pháp khả dĩ hiện nay là cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn, nỗ lực để minh bạch các lực lượng “Vùng Xám”, như dân binh biển Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này sẽ góp phần thiết thực thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông, vốn có lợi cho tất cả các bên.
-------------------
[1] http://www.scspi.org/en/dtfx/1588176000
[2] http://www.scspi.org/en/dtfx/when-maritime-militia-vessels-get-armed
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
| Việt Nam-Philippines nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN với an ninh khu vực Nhiều nội dung họp tác quốc phòng quan trọng đã được Việt Nam và Philippines thảo luận trong khuôn khổ Đối thoại chính sách quốc ... |
| Biển đảo gắn bó với người dân Việt Nam từ trong tâm thức Quá trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã hình thành trong ý thức của người Việt Nam về chủ ... |
| Australia và Philippines tuần tra chung ở Biển Đông, cam kết đảm bảo một trật tự dựa trên luật lệ Australia và Philippines nhấn mạnh việc hợp tác chặt chẽ để đảm bảo một trật tự dựa trên luật lệ tại Biển Đông. |
| Philippines tố Trung Quốc ‘cố ý’ đâm tàu, Bắc Kinh tuyên bố tiếp tục biện pháp cần thiết ở Biển Đông Ngày 23/10, Philippines tố cáo các tàu Trung Quốc đã 'cố ý' đâm vào các tàu Philippines khi đang thực hiện sứ mệnh cuối tuần ... |
| Sẽ có gặp gỡ cấp cao Trung Quốc - Philippines bên lề APEC, Manila sẽ 'lắng nghe' Trung Quốc để hạ nhiệt căng thẳng Biển Đông' Trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc - Philippines leo thang tại Biển Đông, Tổng thống Philippines cho biết sẽ có cuộc gặp với Lãnh ... |