Một góc sân chơi thủy trị liệu tại Trung tâm. (Nguồn: ĐSQ New Zealand tại Việt Nam) |
Thuỷ trị liệu thông qua vui chơi vốn được biết đến như một phương thức hiệu quả mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật trí tuệ. Tuy nhiên, hiện nay rất ít các sân chơi với nước ngoài trời ở Việt Nam phù hợp với trẻ khuyết tật trí tuệ.
Tháng 2/2024, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập quận Tân Bình phối hợp với Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về Sân chơi trong phố (Think Playgrounds) xây dựng sân chơi thủy trị liệu đầu tiên dành tặng cho 140 trẻ khuyết tật trí tuệ. Công trình do Đại sứ quán New Zealand tài trợ, cùng với 14.723 lượt ủng hộ của cộng đồng trên siêu ứng dụng ví Momo.
Sân chơi ngoài trời có diện tích 72,5m2 với 8 đầu phun nước từ dưới sàn, 3 bộ cây sen có 4 bát sen/bộ để phun từ trên xuống, bể vầy chứa nước với độ cao 20cm phù hợp với lứa tuổi học sinh đang học tập tại trung tâm. Không chỉ mang đến những giờ phút vui chơi giải trí, đây còn là nơi các thầy cô thực hiện các hoạt động giáo dục trị liệu cho các học sinh.
Bà Hà Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập quận Tân Bình chia sẻ: "Sân chơi thuỷ trị liệu là món quà lớn mà Đại sứ quán New Zealand mang đến cho học sinh khuyết tật của chúng tôi. Các em không chỉ được vui chơi với nước trong một không gian quen thuộc nơi các em đang học tập mà thông qua vui chơi, các em được trị liệu, cải thiện sức khoẻ thể chất và tinh thần ở một môi trường không áp lực, giúp giảm stress và tăng động.
Tổng lãnh sự New Zealand Scott James trao quà cho các em nhỏ của Trung tâm. (Nguồn: ĐSQ New Zealand tại Việt Nam) |
Đặc biệt, sân chơi được thiết kế để trẻ em với những năng lực khác nhau có thể chơi cùng nhau, sẽ giúp các em phát triển kĩ năng giao tiếp xã hội và tự phục vụ, giúp các em dần trở nên độc lập và hòa nhập với xã hội".
Theo ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc sáng tạo Think Playgrounds, đây là sân chơi thuỷ trị liệu đầu tiên mà ThinkPlaygrounds thực hiện. "Nhờ sự đồng hành tuyệt vời của cô Vân và trung tâm Tân Bình, cũng như dựa trên kinh nghiệm thiết kế sân chơi cho trẻ khuyết tật trí tuệ trước đây, chúng tôi đã xây dựng được một công trình mang lại lợi ích cho trẻ khuyết tật và gia đình các em.
Đất, cát, nước, gỗ… các chất liệu từ thiên nhiên cùng màu sắc mô phỏng tự nhiên như xanh lá, xanh biển... được chúng tôi sử dụng nhằm tạo ra sự linh hoạt, gây bất ngờ, khiến trẻ em không ngừng được khám phá và học hỏi", ông Đạt cho hay.
Tham gia buổi lễ và trải nghiệm cùng các em, ông Scott James, Tổng lãnh sự New Zealand hạnh phúc chia sẻ: “Tôi rất vui khi được nhìn thấy niềm hạnh phúc của các em nhỏ khi được vui chơivà học tập tại sân chơi thủy trị liệu. New Zealand rất tự hào được đồng hành với các đối tác tại Việt Nam xây dựng công trình có ý nghĩa thiết thực này.
Công trình do Đại sứ quán New Zealand tài trợ, cùng với 14.723 lượt ủng hộ của cộng đồng trên siêu ứng dụng ví Momo. (ĐSQ New Zealand tại Việt Nam) |
Chúng tôi mong muốn kinh nghiệm xây dựng, thiết kế sân chơi và không gian cho trẻ em, có sự tham gia của các em nhỏ khuyết tật và các chuyên gia trong quá trình thiết kế, được lan tỏa để có thêm nhiều mô hình không gian chơi - học đảm bảo tiếp cận và hòa nhập cho trẻ khuyết tật.”
Cũng trong dự án này, một khóa đào tạo đã được tổ chức nhằm tăng cường năng lực giảng dạy cho trẻ khuyết tật trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ về điều chỉnh và phát triển hành vi thông qua phương pháp thủy trị liệu cho 56 giáo viên và cán bộ quản lý tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập quận Tân Bình cũng như tại các trung tâm và cơ sở giáo dục chuyên biệt khác tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đắk Lắk và Tiền Giang.