Theo ông Joseph Mayhew, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm điêu đứng nền kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương (là quốc gia duy nhất trong ASEAN đạt tăng trưởng dương trong năm 2020). Điều này thể hiện rất rõ ràng qua các dự án xây dựng mới mọc lên, đầu tư vào sản xuất và công nghiệp, và sự gia tăng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Joseph Mayhew, Đại biện lâm thời Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam |
Mạnh mẽ vượt qua đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ, tác động tiêu cực đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới trong năm 2020. Điểm trùng hợp thú vị là Việt Nam và New Zealand được biết đến là hai trong số ít các quốc gia ngăn chặn đại dịch thành công.
Theo ông Joseph Mayhew, yếu tố then chốt tạo nên thành công trong việc ứng phó với Covid-19 của Việt Nam là sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt của Chính phủ. Ngay từ khi dịch bùng phát vào cuối năm 2019, Việt Nam đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Kể từ đó, từ Chính phủ, lãnh đạo bộ, ban, ngành đã thể hiện sự linh hoạt và chuyên nghiệp không chỉ trong việc quản lý ứng phó với đại dịch mà còn trong việc chuyển sang ngoại giao trực tuyến.
Chứng kiến hai đợt dịch được kiểm soát ở Việt Nam, ông Joseph Mayhew vô cùng ấn tượng không chỉ với sự ứng phó kịp thời mà còn với cách xoay chuyển tình thế và vận dụng sáng tạo công nghệ mới.
“Việc Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 là một ví dụ tuyệt vời về cách thích ứng với môi trường mới bằng cách sử dụng các tài nguyên và công nghệ mới”, Đại biện lâm thời Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam nhấn mạnh.
Giống như Việt Nam, New Zealand đã thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Cụ thể, Chính phủ New Zealand hướng tới mục tiêu vừa bảo vệ người dân vừa định vị nền kinh tế phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch.
Tương tự như Việt Nam, New Zealand đã triển khai một chiến dịch truyền thông trên toàn quốc nhằm giáo dục và cập nhật cho người dân về tình hình Covid-19. Trong đó, biên giới của New Zealand là một lớp phòng thủ quan trọng. Chính phủ New Zealand cũng đã hạn chế việc đi lại quốc tế đến New Zealand và áp dụng chế độ cách ly, kiểm dịch và quản lý những người nhập cảnh.
Với nỗ lực và quyết tâm, Việt Nam và New Zealand đã kiên cường vượt qua một năm 2020 sóng gió mà không bị quật ngã và đang lấy đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam - New Zealand ngày 22/7/2020. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Xung lực mới
Theo ông Joseph Mayhew, năm 2020 là một dấu mốc quan trọng khi hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện đáng kể nhất là quan hệ Việt Nam-New Zealand đã được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược và được công bố tại Hội đàm Cấp cao trực tuyến giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vào tháng 7/2020.
Việc nâng cấp quan hệ này, đặc biệt là trong những thời điểm đầy thử thách như vậy, càng cho thấy quan hệ hai nước đã được “thử lửa” để trở thành “vàng”. Ông Joseph Mayhew bày tỏ tin tưởng khuôn khổ quan hệ mới sẽ tạo xung lực thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực.
“Đây là một thành tựu tuyệt vời nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. Với tư cách là Đối tác chiến lược, chúng tôi mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích của cả hai bên”, ông Joseph Mayhew khẳng định.
“Đây là một thành tựu tuyệt vời nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. Với tư cách là Đối tác chiến lược, chúng tôi mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích của cả hai bên”. (Đại biện Joseph Mayhew). |
Ông Joseph Mayhew nhận định sự kiện quan trọng này đã cho New Zealand cơ hội để suy ngẫm về các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ song phương. Đơn cử như thương mại song phương vẫn đứng vững trước đại dịch. Điều này là thành quả đáng khích lệ và thể hiện quyết tâm hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược của hai nước.
“Cá nhân tôi rất vui khi người tiêu dùng ở cả hai nước tiếp tục được tiếp cận, sử dụng hàng hóa của nhau”, ông Joseph Mayhew nói.
Theo nhà ngoại giao New Zealand, hợp tác và giao lưu nhân dân giữa hai nước vẫn bền chặt trong suốt đại dịch và bày tỏ lạc quan rằng mối quan hệ này sẽ còn phát triển hơn nữa hậu Covid-19.
| Đối tác Chiến lược Việt Nam-New Zealand: Phấn đấu kim ngạch sớm đạt 2 tỷ USD/năm TGVN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị New Zealand mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm xây ... |
Biến động lực thành hành động
Để ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ giữa hai nước, mới đây, Quỹ New Zealand châu Á đã đưa ra báo cáo tổng hợp nêu bật chiều sâu và chiều rộng của các mối quan hệ hợp tác song phương với tiêu đề “Việt Nam & New Zealand: Tiến lên!”.
Tiêu đề này cũng chính là định hướng cho sự phát triển quan hệ hai nước mạnh mẽ trong tương lai. Với tư cách là Đối tác chiến lược, New Zealand và Việt Nam sẽ cùng theo đuổi các cấp độ hợp tác và phát triển sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực trên nền tảng mà hai nước đang có.
Thời gian tới, hai nước sẽ cùng nhau phát triển và đưa ra Kế hoạch hành động Đối tác Chiến lược. Đây sẽ là một khuôn khổ quan trọng để tăng cường hợp tác Việt Nam-New Zealand.
Trên cơ sở này, ông Joseph Mayhew tái khẳng định quan điểm ủng hộ của New Zealand đối với chủ nghĩa đa phương và trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ, nhấn mạnh đó chính là động lực thúc đẩy hợp tác của New Zealand trên các diễn đàn khu vực và đa phương trong một loạt các lĩnh vực, trong đó có biến đổi khí hậu và tự do thương mại.
Với vai trò là nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2021, New Zealand mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Việt Nam góp phần vào sự thành công của sự kiện này.
Sau khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm ngoái, Việt Nam và New Zealand hiện đang kết nối thương mại thông qua ba hiệp định thương mại tự do là: Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và RCEP.
Với những cơ hội rộng mở, ông Joseph Mayhew kỳ vọng hai nước sẽ tăng cường hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, đồng thời nhận thấy có nhiều cơ hội để kết nối song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, giáo dục, hàng không và dịch vụ công nghệ thông tin.
Bàn về trụ cột để phát triển tương lai quan hệ hai nước, ông Joseph Mayhew kết luận: “Ở New Zealand, chúng tôi có một câu nói: He aha te mea nui o te ao? He tangata, he tangata, he tangata (Thứ quan trọng nhất trên thế giới là gì? Đó là con người, con người và con người)”.
Mối quan hệ song phương Việt Nam-New Zealand đã được hình thành thông qua nhiều kênh, cho dù là chính trị, kinh tế, thương mại, du lịch hay giáo dục, ông Joseph Mayhew cho rằng mấu chốt quan trọng nhất vẫn là quan hệ giữa con người với con người, bởi đó mới chính là cầu nối vững chắc nhất trong quan hệ song phương.