📞

Trẻ chịu tác động tiêu cực từ mâu thuẫn giữa bố mẹ

18:00 | 02/11/2016
Nghiên cứu chứng minh rằng, những cuộc tranh cãi giữa bố mẹ là một điều cực kỳ tồi tệ đối với con cái của họ. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn ngầm giữa bố mẹ cũng gây ảnh hưởng xấu đến trẻ với mức độ tương đương những cuộc cãi vã to tiếng.

Các cặp vợ chồng thường thể hiện những bất hòa giữa họ bằng tất cả hình thức phi ngôn ngữ, ví dụ như ném cho nhau một cái liếc mắt hoặc giận dỗi không nói với nhau câu nào.

Mark Cummings, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Notre Dame, đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về tác động của sự bất hòa trong hôn nhân đến trẻ em trong hơn 20 năm cho rằng, trẻ em được ví như một cỗ máy đo cảm xúc cực kỳ nhạy. Ông lý giải, trẻ em là cầu nối tình cảm của cả bố lẫn mẹ. Và, chúng thấu hiểu những biểu hiện phi ngôn ngữ là chìa khóa để thể hiện cảm xúc.

Trẻ rất nhạy cảm trước mâu thuẫn của bố mẹ. (Nguồn: The Atlantic)

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Với nhiều cặp vợ chồng quan niệm rằng, việc giữ một mối bất hòa âm ỉ bên trong và cố không làm nó trở nên gay gắt hơn, hoặc bộc phát ra bên ngoài, có vẻ được coi như cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sự mâu thuẫn “ngầm” như trên có thể gây trở ngại lớn đến hành vi và cảm giác an toàn của đứa con.

Khi trẻ em tiếp xúc lâu dài với những xung đột chưa được giải quyết từ bố mẹ, chúng có xu hướng xảy ra hiện tượng đánh nhau với bạn học cùng lớp và thường xuyên bộc lộ vẻ cau có, tức giận cùng nhiều biểu hiện tiêu cực khác. Chúng cũng có thể mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ vào ban đêm, hậu quả là thành tích học tập của chúng ngày càng giảm sút.

Trên thực tế, kết quả những nghiên cứu về cảm xúc của trẻ em trước mối bất hòa của bố mẹ chúng cho thấy, nếu giữa bố mẹ tồn tại mối mẫu thuẫn càng lớn thì sẽ làm trẻ tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý, bao gồm trầm cảm, lo lắng, thu mình trước xã hội, đồng thời tính tình trở nên cục cằn, hung hãn.

Đặc biệt là khi trẻ mẫu giáo chứng kiến và cảm nhận được những mâu thuẫn của người lớn, chúng sẽ có những phản ứng sinh lý như tim đập mạnh hoặc huyết áp tăng cao. Đôi khi, trẻ em cũng buộc phải trở thành người đứng ra hòa giải và hàn gắn những mâu thuẫn của cha mẹ.

Trẻ em - nhà phân tích tâm lý tinh vi

Để phân tích những ảnh hưởng nói trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên 232 hộ gia đình, bằng cách áp dụng một số phương pháp để kiểm tra mức độ ảnh hưởng của những mâu thuẫn giữa cha mẹ đối với đứa trẻ.

Họ tiến hành ghi lại cảnh các cặp vợ chồng này đang cãi vã hoặc tranh luận gay gắt về một vấn đề nhất định. Tiếp đó, các nhà nghiên cứu chiếu đoạn phim này con cái của cặp vợ chồng đó xem và ghi nhận những phản ứng từ chúng. Các bằng chứng cho thấy, biểu hiện bất hòa phi ngôn ngữ như hờn dỗi, im lặng giữa bố mẹ khiến đứa trẻ cảm thấy khó chịu.

Ở một thí nghiệm khác, trước những cuộc cãi vã diễn ra trước mặt đứa trẻ hoặc bố mẹ đóng kín cửa không cho đứa trẻ thấy, đứa trẻ vẫn bị ảnh hưởng. Có thể nói trẻ em là các nhà phân tích tâm lý tinh vi: Chúng có thể thấu hiểu được sự bất hòa đó dù cho bố mẹ có giả vờ mọi chuyện đã lắng xuống.

Cần khéo léo giải quyết mâu thun

Cuốn sách mang tên “Bất hòa trong hôn nhân và trẻ em”, của đồng tác giả Cummings - Patrick T. Davies - Giáo sư tâm lý tại Đại học Rochester, đã mô tả chi tiết những “cách chữa cháy” mà các cặp vợ chồng thường dùng trong khi đang “nổi nóng” với nhau. Ví dụ như một trong hai người lãng tránh đi, hoặc sẽ bỏ đi trong lúc cãi vã hoặc tỏ vẻ “nhượng bộ” để đối phương kiềm chế cơn nóng giận của mình xuống.

Mặc dù những thủ thuật nói trên có tác dụng tạm thời, nhưng chúng vẫn tạo ra không khí tiêu cực trong gia đình và có thể sẽ dần dần tác động đến những hành vi tổng thể của trẻ. Cuốn sách này đã cảnh tỉnh bố mẹ nên kiểm soát cơn giận của mình bởi trẻ có thể nhận biết bố mẹ chúng đang xảy ra xích mích thông qua cách ứng xử với nhau hàng ngày, chứ không phải chỉ đơn thuần là lời nói.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng, nếu cha mẹ giải quyết triệt để được mâu thuẫn thì con cái họ sẽ có tâm lý và hành vi tích cực hơn. Mặc dù mâu thuẫn trong hôn nhân là điều hiển nhiên, nhưng không nên để chúng tác động tiêu cực đến con trẻ.

Cummings cho biết, thông thường đối với những xích mích trong hôn nhân, mọi người thường không xử lý một cách khéo léo. Các bậc cha mẹ nghĩ rằng, họ đang đúng và đẩy cái tôi của mình lên đỉnh điểm trong những cuộc cãi vã. Nếu các cặp vợ chồng bình tĩnh cùng nhau tìm ra hướng chuyện giải quyết vấn đề thì con cái họ sẽ quên đi những tác động tiêu cực và ngược lại.

(theo The Atlantic)