📞

Trẻ sơ sinh chiếm 54% số trẻ tử vong tại Việt Nam

21:41 | 06/02/2015
Theo Báo cáo của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), số trẻ tử vong trong giai đoạn sơ sinh chiếm tới 54% số trẻ tử vong tại Việt Nam. Đa số các em có cha mẹ là người dân tộc thiểu số và họ không nắm được các chương trình y tế của chính phủ do rào cản ngôn ngữ.
Rất nhiều trẻ em đang bị bỏ lại phía sau chỉ vì các em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn hoặc ở những vùng sâu vùng xa. (Ảnh minh họa- Nguồn: Ivivu)

Báo cáo với tiêu đề The Lottery of Birth (Canh bạc của Sự Sống), dựa trên những phân tích ban đầu các số liệu thu thập từ 87 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trên thế giới, cho biết 3/4 trong số các nước này, sự bất bình đẳng trong tỷ lệ sống ở trẻ em đang ngày một xấu hơn, khiến một số nhóm trẻ đang thụt lùi so với các bạn khác.

Tại Việt Nam, báo cáo cho biết, trẻ em dân tộc Kinh có khả năng sống sót cao hơn gấp 3,5 lần so với trẻ em dân tộc khác. Nguyên nhân chính, theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em là do hiện nay có rất ít các ông bố bà mẹ người dân tộc thiểu số nắm được các chương y tế của chính phủ chủ yếu do những cản trở về ngôn ngữ, và cũng ít tiếp cận với các thông tin về điều kiện và các phương thức điều trị do những thói quen cũ trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Mặc dù Việt Nam đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trong vòng hai thập kỉ qua, còn có rất nhiểu trẻ em đang bị bỏ lại phía sau chỉ vì các em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn hoặc ở những vùng sâu vùng xa.

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến tử vong ở trẻ đưới 5 tuổi là do những khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh hoặc do chất lượng của các dịch vụ sẵn có còn chưa đáp ứng được cho các gia đình ở những vùng sâu vùng xa. Số trẻ tử vong trong giai đoạn sơ sinh chiếm tới 54% số trẻ tử vong tại Việt Nam.

Theo phân tích của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, nếu không có những hành động thực sự nhằm thay đổi canh bạc của sự sống sẽ tiếp tục điễn ra trong thời gian tới và sẽ làm chậm tiến trình hướng tới mục tiêu chấm dứt tình trạng tử vong vì những nguyên nhân có thể can thiệp được ở trẻ em đối với các thế hệ sau.

Tuy nhiên, vấn đề bất bình đẳng này có thể giải quyết được. Thực tế, gần 1/5 các quốc gia trong nghiên cứu này bao gồm Mexico, Malawi, Bangladesh, Rwanda đã rất thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em kết hợp nhanh và chuyên biệt, đạt được những tiến bộ nhanh hơn so với phần lớn các nước khác mà vẫn đảm bảo không có nhóm trẻ nào bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em kêu gọi cộng đồng quốc tế cam kết chấm dứt tử vong vì những nguyên nhân có thể can thiệp được ở trẻ em vào năm 2030.

Hiệp định khung về phát triển, thay thế “Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ” sẽ được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2015. Hiệp định khung này sẽ đưa ra những mục tiêu về sự sống bà mẹ và trẻ em và cam kết hành động hướng tới việc bao phủ sức khỏe toàn cầu.

Hiệp định này bao gồm các mục tiêu nhằm đảm bảo những nhóm trẻ nghèo và thiệt thòi nhất phải thuộc công cuộc toàn cầu về cải thiện sự sống cho trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2030.

Ngô Quỳnh