TIN LIÊN QUAN | |
Nuôi con tự kỷ: Hành trình đến nước Mỹ (Kỳ cuối) | |
Nuôi con tự kỷ: Nỗi đau không gọi thành tên (Kỳ I) |
Chị Hoàng Kim Phượng (bên trái) tại lớp tập huấn Phát triển kĩ năng giao tiếp cho trẻ tự kỉ. (Ảnh: NVCC) |
Trải qua quá trình dài học tập nghiên cứu, tham gia các cuộc hội thảo lớn, nhỏ và đặc biệt xuất phát từ nỗi đau của một người mẹ có con bị tự kỷ, chị Hoàng Kim Phượng đã thực hiện được ước mơ lớn nhất trong cuộc đời mình - đó là sáng lập Phoenix - ngôi trường sử dụng âm nhạc để phát triển những khả năng đặc biệt của trẻ tự kỷ.
Tấm lòng người mẹ giàu nghị lực
Yêu thích âm nhạc từ khi còn nhỏ, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Y tế Kon Tum, chị Phượng theo học tiếp trường Đại học Ngoại thương và Đại học Văn Hóa Nghệ thuật Quân đội, với mong muốn trau dồi bản thân và được sống đúng với đam mê của mình. Cuộc sống “viên mãn như trăng rằm” khi chị có một gia đình nhỏ hạnh phúc, con đường sự nghiệp đang trên đà phát triểntại trường Trung học cơ sở Minh Khai.
Nhưng bỗng một ngày, sau gần hai năm học tập và phát triển bình thường tại trường mầm non, cô giáo trực tiếp dạy dỗ con trai chị gọi chị đến để thông báo: Con không nói năng, không quan tâm hay chơi đùa cùng bạn bè. Ở nhà, chị cũng nhận thấy cậu con trai gần ba tuổi của mình có những biểu hiện bất thường, chỉ im lặng cặm cụi chơi một món đồ chơi mà con thích, vô cảm với những vật dụng xung quanh và hoàn toàn không để ý đến tiếng gọi của bố mẹ.
Chị vẫn tiếp tục cho con đi học tại trường mẫu giáo, với hy vọng con có thể hòa nhập với bạn bè, với môi trường xung quanh nhưng tình hình không mấy tiến triển. Thời bấy giờ, khái niệm tự kỷ vẫn còn rất mông lung đối với chị và gần như tại Việt Nam, không có một ngôi trường nào dành riêng cho trẻ tự kỷ.
Chính trong những giây phút bế tắc nhất, chị đã quyết định tự mình đồng hành cùng con, tự mình giúp con vượt qua sự cô đơn mà con đang phải đối mặt. Từ một giáo viên dạy âm nhạc đang được tín nhiệm, chị quyết định xin nghỉ việc và đưa con về quê sống, thuê một ki - ốt nhỏ cạnh chợ để cho con có môi trường tốt hơn. Lúc bấy giờ, chị chỉ có một mong muốn rằng mình có thể giao tiếp được cùng con, để cho con có thể vui đùa cùng mẹ.
Lớp học dành cho trẻ tự kỷ. |
Thời gian ấy, chị và chồng thường xuyên đàn piano, hát, thậm chí là viết nhạc và soạn lời những bài hát mới cho con nghe. Điều kỳ lạ là mỗi khi nghe tiếng đàn, tiếng hát của mẹ, bé rất chăm chú, đôi khi còn lắc lư theo điệu nhạc. Chị Phượng dần nhận thấy con mình vô cùng hào hứng với âm nhạc và bé có khả năng cảm nhận âm nhạc tốt. Chị bắt đầu dạy con học đếm bằng âm nhạc, nhận thức bằng âm nhạc, kỹ năng sống bằng âm nhạc và đặc biệt nhất là giúp con giao tiếp thông qua âm nhạc.
Hơn một năm kiên trì song hành cùng con, bé dần có những chuyển biến tích cực, hòa đồng hơn cùng bố mẹ và tiếp tục theo học tại trường mầm non như những người bạn cùng trang lứa. Chị Phượng cho rằng, phần lớn chúng ta chỉ nhận thấy những khiếm khuyết ở trẻ tự kỷ mà không biết rằng trong mỗi đứa trẻ ấy đều có những khả năng, chỉ cần có một nền tảng là các em có thể thể hiện được khả năng của bản thân mình.
Khi được hỏi về lý do sáng lập một ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ, chị Phượng cho hay, tại các đất nước khác việc đưa âm nhạc vào trị liệu cho trẻ tự kỷ đã được thực hiện từ rất lâu và phát triển rộng rãi. Nhưng tại Việt Nam mọi người chưa nhận thức được sức ảnh hưởng của âm nhạc đến trẻ tự kỷ. Chị muốn truyền tải những kiến thức đã được học và qua quá trình trực tiếp đồng hành cùng con trai mình để giúp những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ có thể được tiếp tục phát triển cuộc sống theo cách bình thường nhất.
Sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc
Cùng con "chinh chiến" với hội chứng tự kỷ, hơn ai hết, chị Phượng hiểu rõ nỗi lòng của những bậc phụ huynh có con giống mình. Sau khi con trở lại trường học cùng bạn bè, nhiều bậc phụ huynh tìm đến chị và gửi gắm con nhờ chị giúp đỡ. Mỗi ngày dù chỉ vài tiếng, cho các bé chơi đùa cùng con chị, mà những đứa trẻ lầm lỳ, khó bảo đã dần cởi mở và hòa nhập hơn.
Hiệu quả trông thấy, chị Phượng cùng chồng bắt đầu tìm hiểu và đăng ký một vài khóa học, khóa tập huấn về Giáo dục đặc biệt dành cho phụ huynh và giáo viên. Bất kỳ khóa học về giáo dục đặc biệt nào được tổ chức, chị đều tham gia với hy vọng sẽ hiểu biết thêm những kỹ năng để hướng dẫn con mình.
Sau đó, chị Phượng tham gia Nghiệp vụ Giáo dục đặc biệt. Trong quá trình học tập, chị hiểu ra nhiều điều về phương pháp dạy cho trẻ tự kỷ, cách tiếp cận và vui đùa cùng những đứa trẻ đặc biệt này. Chị cho biết, thời gian đầu khi có ý tưởng thành lập Phoenix, chị gặp phải rất nhiều khó khăn khi phải tự tay chuẩn bị từ bộ bàn ghế đến những vật dụng của trường. Ngay cả việc tìm được giáo viên tận tâm với giáo dục đặc biệt cũng tương đối vất vả. Tuy nhiên, đến nay Phoenix đã đi vào hoạt động được 12 tháng và đón nhận gần 30 bé mắc hội chứng tự kỷ. Trong chương trình học tập, các em được học lồng ghép âm nhạc cùng những tiết học phát triển nhận thức, hành vi, kỹ năng sống... Qua đó, phát hiện những điểm mạnh của các bé để chú trọng khai thác và phát huy khả năng.
Hiện tại, chị Phượng đang nghiên cứu khoa học về phương pháp nghiên cứu Âm nhạc trị liệu cho luận văn thạc sỹ giáo dục đặc biệt tại Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và chuẩn bị bảo vệ vào tháng 10 tới. Chị luôn quan niệm rằng, tự kỷ không phải là một căn bệnh, đó chỉ là sự khác biệt đặc biệt so với trẻ phát triển bình thường. Trước khi đón nhận các bé, chị luôn muốn cha mẹ học sinh nhìn nhận và hiểu rõ vấn đề này để chung tay cùng trường dạy dỗ con em mình.
Phần lớn các bé được gửi gắm đến trường, đều rất bướng bỉnh, không nghe lời cô giáo và chỉ làm những điều mình thích. Sau một thời gian học tập, dưới sự dìu dắt của chị và các cô giáo trong trường, nhiều bé đã có chuyển biến rõ rệt. Có những bé được đưa đến trường khi tình trạng thoái lui (thuật ngữ trong giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ) ở mức độ nặng, thậm chí không thể nói được, đến thời điểm này cũng đã bập bẹ được vài từ, có những bé còn có thể nói nhiều và biết bảo vệ chính kiến của mình. Đối với chị Phượng, mỗi ngày được chứng kiến từng bé có những chuyển biến tích cực là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Dù vậy, chị Phượng không dám thừa nhận rằng mình đang thực hiện phương pháp âm nhạc trị liệu, vì bản thân chị cũng chưa hiểu hết hoàn toàn về phương pháp này. Tuy nhiên, chưa lúc nào chị ngừng ước muốn có thể lan tỏa rộng rãi việc sử dụng âm nhạc kết hợp cùng giáo dục đặc biệt tới những phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ. “Tôi muốn truyền lửa cho mỗi bà mẹ có thể tự can thiệp và chiến đấu vượt qua hội chứng này cùng con mình. Tôi tin rằng mỗi người mẹ, mỗi bậc phụ huynh chính là một anh hùng giải cứu những khó khăn trong cuộc đời con trẻ”, chị tâm sự.
Những khoảnh khắc trong ngày hội thể thao dành cho trẻ tự kỷ Sáng 1/4 tại thành phố Bắc Ninh, gần 1.000 người trong đó có gần 400 người tự kỷ tham gia ngày hội thể thao với ... |
Môi trường hòa nhập cho trẻ tự kỷ Từ khoảng năm 2000 trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ (TTK) tăng ở các trường mầm non Việt Nam, cho thấy tính cấp ... |
Anh thử nghiệm thành công robot Kaspar hỗ trợ trẻ tự kỷ Các nhà khoa học thuộc trường đại học Hertfordshire của Anh vừa thử nghiệm thành công robot Kaspar hỗ trợ trẻ em bị mắc chứng ... |