Tên lửa hạt nhân là trung tâm trong chiến lược quân sự của Nga. (Nguồn: Creative Commons) |
Trong một cuộc trao đổi với các tùy viên quân sự nước ngoài, Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tuyên bố rằng: “Hơn 95% bệ phóng của lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Lực lượng tên lửa chiến lược Nga tiếp tục tái trang bị tổ hợp tên lửa đạn đạo, liên lục địa Yars, đưa tổ hợp tên lửa siêu vượt âm Avangard với khả năng chọc thủng mọi lá chắn tên lửa của đối phương, vào trực chiến".
Cùng với đó, tàu ngầm nguyên tử mang theo tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava sẽ được bổ sung cho đội hình tác chiến của lực lượng hạt nhân, chiến lược của hải quân. Các tàu sân bay mang tên lửa chiến lược cũng tiếp tục được hiện đại hóa, để có thể sử dụng tên lửa tầm xa hiện đại, có độ chính xác cao.
Tướng Valery Garasimov cũng cho rằng “Đề xuất của Nga về việc nghiêm cấm triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên lãnh thổ châu Âu vẫn còn hiệu lực. Việc Mỹ triển khai những tên lửa này ở châu Âu sẽ đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh thế giới và an ninh khu vực”.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Nga, căn cứ vào những phân tích đặc tính kỹ, chiến thuật của vũ khí siêu thanh do Mỹ sản xuất, nếu những vũ khí này được bố trí trên lãnh thổ Ukraine thì mức độ tàn phá của nó đối với Nga sẽ gia tăng đáng kể, thậm chí có thể đánh trúng những mục tiêu nằm ở trung tâm nước Nga.
Hiện nay, Mỹ đang phát triển phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ biển, đang chế tạo bệ phóng di động cho tên lửa siêu thanh với tầm bắn khoảng 1.000 km. Những vũ khí này trước kia bị nghiêm cấm bởi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Năm 2019, Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước này.
Để đáp trả, Nga tuyên bố rằng trong khoảng thời gian rất ngắn, Nga có thể chế tạo tên lửa tầm trung, mặt đất, nhưng vẫn đề xuất thỏa thuận với Mỹ là không tiến hành triển khai những tên lửa đó trên lãnh thổ châu Âu.
Chính quyền Mỹ hiện nay vẫn chưa có thái độ rõ ràng đối với hiệp ước INF, quay lại với hiệp ước cũ hay là soạn thảo hiệp ước mới. Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến của Tổng thống Nga và Mỹ hôm 7/12 vừa qua chỉ dừng lại ở việc hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về an ninh chiến lược.
Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lo ngại về việc Mỹ có thể triển khai tên lửa mới, không chỉ trên lãnh thổ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), như Ba Lan, Romania, mà còn trên lãnh thổ Ukraine. Thời gian bay của những tên lửa đó từ Ukraine đến Moscow và các trung tâm quan trọng khác của Nga chỉ tính bằng phút.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov nhấn mạnh mọi hành động gây hấn, sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Donbas sẽ bị chặn đứng, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine, khẳng định đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt.
"NATO đã quan tâm thái quá việc di chuyển của quân đội Nga. Việc quân đội của một quốc gia, di chuyển trên lãnh thổ của mình, trong quá trình huấn luyện chiến đấu là hoạt động hết sức bình thường”, Tướng Valery Gerasimov nói.
Trao đổi với phóng viên báo iz.ru, chuyên gia quân sự Nga Victor Mukharovsky chỉ ra rằng: “Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần tuyên bố không cho phép sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Donbas, mọi mưu toan như vậy sẽ dẫn đến sụp đổ nhà nước Ukraine. Chúng ta nên thay đổi tư duy rằng khi bị tấn công, chúng ta phải giáng đòn đáp trả không chỉ vào những phương tiện thực hiện hành động tấn công, mà phải đánh vào trung tâm đưa ra quyết định đó”.
Về vấn đề này, ông Valery Gerasimpv không ngần ngại khẳng định: “Nếu bị tấn công, chúng ta không để hình thức và phương pháp sử dụng quân đội bị trói buộc bởi chính những tư duy của mình. Mọi hành động của chúng ta phụ thuộc vào tình hình cụ thể”.