📞

Trị bệnh khi chưa thành bệnh

15:17 | 24/04/2015
Tâm bệnh đã được lịch sử y học biết đến từ vài ngàn năm trước đây, mặc dù chưa có dấu ấn đáng kể trong phương pháp điều trị. Cho đến nay, việc uống thuốc chỉ có tính chất hỗ trợ và cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh.
Ảnh minh họa.

Nhận dạng tâm bệnh

Một trong những đặc tính của con người là thường lưu giữ những giận hờn, buồn tủi, lo âu, uất ức, buồn phiền... hơn là những cảm xúc tích cực. Có những người thường thích phàn nàn những khó khăn của bản thân với người khác và cảm nhận niềm vui khi được cảm thông, thương hại. Nhiều người có xu thế lợi dụng nó, coi đó là cách biểu hiện tình cảm, lòng tốt dẫn đến việc tư tưởng buồn khổ ấy bị thổi phồng, thái quá. Thành ra, đó không những không phải là giải pháp để giải toả phiền muộn mà ngược lại, đó còn khiến cho nỗi phiền muộn lưu giữ lâu hơn trong tâm trí.

Ngược lại, một số người khác lại ở thái cực không muốn bộc lộ với người khác, bản tính chịu đựng, e ngại và cảm giác bị cô lập trước cộng đồng… Người mắc bệnh tự kỷ cũng thường có những biểu hiện này, bao gồm cả các nguyên nhân di truyền hoặc bị ảnh hưởng trong quá trình mang thai, hay thiếu vắng tình thương... Những thái cực trên có thể gây ra tâm bệnh - bệnh tâm trí, căn bệnh đang ngày càng gia tăng trong thời đại hiện nay. Biểu hiện nhiều như người tự kỷ, stress, rối loạn chức năng...

Y học phương Đông chỉ ra rằng, nhiều bệnh phát sinh từ tâm bệnh thái quá. Ví như buồn tủi quá mức mà sinh bệnh cho Phế (phổi); Ghen ghét hờn giận quá sinh bệnh Can (gan); lo lắng quá đỗi làm tổn hại và sinh bệnh cho Tỳ (lá lách); Sợ hãi quá mức gây lên bệnh Thận (hai quả cật); Vui quá đỗi làm tổn hại sinh cho bệnh Tâm (tim).

Theo lương y, T.S Nguyễn Hữu (Đông y Bảo Sơn - Hà Nội): "Sức chịu đựng thể xác của chúng ta là có giới hạn, ngày ngày những dồn nén những ý tưởng, quan niệm, những tham vọng, lo lắng, buồn tủi uất hận, ghen ghét... khiến cơ thể chúng ta bị quá tải. Khi ấy, cơ chế cân bằng tự nhiên sẽ chấp nhận cho thân thể chúng ta chế ngự và hủy hoại tâm trí bằng cách ức chế khả năng hoạt động của tim, thận, gây rối loạn chứng năng tim thận dẫn đến các chứng bệnh rối loạn tuần hoàn, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa…".

Phòng hơn chữa bệnh

Tâm bệnh là một loại bệnh khó điều trị và hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn do hầu hết các người mắc tâm bệnh thường không có ý thức tự cải thiện. Để chữa bệnh, cần phải kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và các phương pháp trị liệu. Giống như những căn bệnh khác, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, như lời dạy của Y tổ Hải Thượng Lãn Ông: "Thánh nhân trị bệnh khi chưa thành bệnh".

Theo triết lý triết học phương Đông, nụ cười có một quyền năng rất lớn. Ở những người ít cười, ít hài hước trong cuộc sống thường thiếu khả năng cho và nhận. Người xưa thường nói: "Tâm trung tiếu ý" (Nụ cười trong tâm). Khi đang uất ức, buồn bực, căng thẳng, miệng lẩm bẩm phiền trách chuyện gì đó, bất chợt ngước lên nhìn ai đó mỉm cười và bản thân mỉm cười lại với người ấy, tự nhiên mọi buồn bực căng thẳng lắng xuống và chúng ta cảm nhận phía trước là một sự bình yên tốt lành. Đối với trẻ tự kỷ, nụ cười ở trẻ và những người xung quanh còn có một quyền năng mạnh mẽ hơn rất nhiều để phòng và chữa tâm bệnh.

Khi mắc tâm bệnh, cần tìm đến các bác sỹ về thần kinh, tâm trí, các nhà tâm lý học, điều dưỡng tâm lý, nhà xã hội học. Đồng thời, người mắc tâm bệnh cần có sự quan tâm đặc biệt hơn của các thành viên trong gia đình, bạn bè để phục hồi sức khỏe.

Nikhil Hoa