📞

Trí thức Hoàng Minh Giám: Yêu nước bằng tình yêu không do dự

13:00 | 28/08/2017
Những câu chuyện cứ lồng trong câu chuyện. Dường như ông có thể kể mãi về GS. Hoàng Minh Giám...
Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám (người đeo kính) cùng cán bộ Bộ Ngoại giao tại Việt Bắc, năm 1947.

Hiếm có người nào làm việc nhiều với GS. Hoàng Minh Giám như ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nguyên Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương và hiện là Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam. Ông Thái cũng vốn là người bạn và là đồng sự vô cùng thân thiết trong hơn một thập kỷ với GS. Hoàng Minh Giám. Sự thân thiết không chỉ ở mức độ hiểu rõ gốc gác của nhau mà còn thân thuộc đến từng thói quen sinh hoạt thường ngày. Trò chuyện với phóng viên trong căn phòng gác hai bài trí đơn giản, những kỷ niệm về GS. Hoàng Minh Giám lần lượt trở về trong tâm trí nhà ngoại giao lớn tuổi đáng kính...

Phẩm chất chân chính làm nên giá trị khác biệt

Có lẽ, nhân cách cao đẹp của người trí thức cách mạng chân chính, không kèn cựa, tranh giành, không ham địa vị, lợi ích cá nhân, đặc biệt là quan hệ bình đẳng với mọi người, thương yêu cán bộ, cộng với huyết thống văn hóa từ một gia đình có truyền thống tiến bộ đã làm nên một trí thức yêu nước, liêm khiết, vô tư hiếm có như GS. Hoàng Minh Giám. Quả là cũng hiếm người, sau khi mất đi, lại được nhắc tới với thái độ nể trọng, chân thành và yêu mến như ông. Đã có con đường được mang tên ông ở Hà Nội - như một lời tri ân của đất nước và của nhiều thế hệ sau này.

"Trí thức chân chính là từ có thể nói cô đọng nhất về GS. Hoàng Minh Giám. Đó là điều làm ông khác với nhiều trí thức khác thời đó", ông Trịnh Ngọc Thái nhắc đi nhắc lại, "thế hệ ngoại giao trẻ hiện nay cần học tập Hoàng Minh Giám nhiều nhất ở đức tính này”.

Từ cuộc đời hơn nửa thế kỷ làm đối ngoại, ông Thái không phủ nhận rằng phong thái, lề lối, nguyên tắc làm việc của GS. Hoàng Minh Giám đã có sức ảnh hưởng không nhỏ tới ông và nhiều cán bộ cùng cơ quan (ở Liên hiệp các tổ chức Hòa Bình, Đoàn kết, Hữu Nghị với nhân dân các nước) mấy thập kỷ sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Ông nhớ lại rằng mình rất thích không khí làm việc lúc đó bởi lúc nào cũng thấy GS. Hoàng Minh Giám, khi đó làm Chủ tịch còn ông là Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp, cười nói vui vẻ. Trong mọi việc, GS. Hoàng Minh Giám luôn mềm mỏng, khiêm tốn, tôn trọng ý kiến tập thể nhưng đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc như Bác Hồ đề ra: "Những gì là nguyên tắc cơ bản thì phải giữ, những gì thuộc về sách lược thì phải linh hoạt. Đặc biệt, cần phân biệt cái gì không thể linh hoạt, cái gì có thể linh hoạt được. Nhầm lẫn giữa hai điều này sẽ dẫn đến xử lý công việc sai".

Một trí thức được tin cậy, trân trọng

Những kỷ niệm về GS. Hoàng Minh Giám xoay quanh những câu chuyện với Bác Hồ và cố Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, cũng là một nhà cách mạng xuất sắc, nhà ngoại giao lớn, một nhà thơ tài năng.

Ông Thái kể rằng thời kỳ 1946-1947, khi nhà nước Việt Nam còn non trẻ và cách mạng đang ở giai đoạn khó khăn, Hoàng Minh Giám là một trợ thủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin cậy nên đã được mời đi cùng, tham dự các cuộc tiếp xúc với Cao ủy Pháp Jean Sainteny, đi đến ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946.

Việc được cử đi dự những hội nghị ngoại giao quan trọng lúc bấy giờ chứng tỏ sự tín nhiệm của Bác đối với không chỉ trình độ, kinh nghiệm mà cả những hiểu biết ngoại giao của ông. Ông Trịnh Ngọc Thái, do từng là cố vấn cấp cao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, nên được đọc lại tất cả tin tức theo dõi các hoạt động của Bác Hồ trong thời gian Bác sang thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua tài liệu mà ông Thái đọc về sự theo dõi của cảnh sát Pháp đối với hoạt động của Bác Hồ, trong đó cả những nhân vật mà Bác từng tiếp xúc khi Bác trú tại nhà ông Raymond Aubrac thì thấy rằng trong danh sách người đến làm việc với Bác Hồ, đi cùng với Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Fontainebleau và tham dự Hội nghị Fontainebleau, lần nào cũng có GS. Hoàng Minh Giám. Sau khi từ Hội nghị trở về, ông được cử làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, gây dựng nên những nguyên tắc hoạt động và một lực lượng cán bộ đối ngoại từ căn bản, góp phần không nhỏ vào sự trưởng thành nhanh chóng của ngoại giao Việt Nam sau này.

Còn người đồng chí Xuân Thủy thì luôn dành sự trân trọng cao nhất đối với GS. Hoàng Minh Giám. Ông Thái nhớ lại: "Một hôm, khi tôi chuẩn bị sắp xếp một chương trình tiếp và chiêu đãi khách quốc tế, ông Xuân Thủy đã dặn rằng: Khi nào có các cuộc tiếp xúc với nước ngoài mà bên phía ta cần phải có mặt các nhân sỹ trí thức Việt Nam thì chú phải nhớ đến GS. Hoàng Minh Giám và xếp ông ấy ở vị trí trang trọng. Tôi hỏi vì sao lại thế. Ông Xuân Thủy nói rằng: Bởi ông Hoàng Minh Giám là một nhân sỹ trí thức yêu nước bằng một tình yêu không do dự".

Thực vậy, khi được mời tham gia vào Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là Chính phủ thì không giống như một số trí thức khác còn muốn có thời gian suy nghĩ thêm, ông Hoàng Minh Giám đã nhận lời ngay. Việc ông luôn quyết định nhanh chóng, không đắn đo suy nghĩ hay do dự trước những sự kiện trọng đại liên quan đến vận mệnh dân tộc chứng minh ông là một trí thức yêu nước rất đáng trân trọng.

Ngay từ khi còn là sinh viên (1924-1926), ông Giám đã tham gia rất tích cực vào các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên. Ông cùng với ông Nguyễn Khánh Toàn từng soạn thảo diễn văn nhằm vạch trần chính sách áp bức, bất công, sự cách biệt trong đãi ngộ giữa người Pháp với người Việt, chính sách ngu dân của thực dân Pháp ở Đông Dương. Sau đó, ông Nguyễn Khánh Toàn bị lộ nên phải trốn vào miền Nam, còn ông Hoàng Minh Giám, sau khi nhận được bằng tốt nghiệp, bị đưa sang giảng dạy Trường Lycée Sisowath Phnompenh (Campuchia) nhằm cách ly với phong trào kháng Pháp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tại đây, ông tiếp tục tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia và lòng căm thù thực dân Pháp. Vì vậy, chỉ hai năm sau, ông bị trả về nước. "Riêng thái độ đó đã là thái độ của một nhà trí thức Việt Nam chân chính", ông Xuân Thủy nói.

Khó có thể chê trách

Hoàng Minh Giám là người có nhiều đóng góp cho ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Đó là bởi ngay từ những ngày đầu đi cùng với Bác Hồ, được Bác Hồ chọn đi cùng ở nhiều sự kiện đối ngoại của Nhà nước, rồi sau này ông có thời gian khá dài làm Bộ trưởng ngoại giao và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hòa bình, Đoàn kết, Hữu nghị với nhân dân các nước.

Theo ông Thái, GS. Hoàng Minh Giám là người yêu nước, người có cách làm ngoại giao đầy kinh nghiệm trong đàm phán, tiếp xúc với khách quốc tế đồng thời làm công tác dân vận rất tốt. Ông là người giữ nhiều chức vụ cao nhưng luôn khiêm tốn, không đề cao công lao, thành tích của mình mà chỉ hoạt động theo sự lãnh đạo của Đảng.

Khi làm Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hòa bình, Hữu nghị, Đoàn kết với Nhân dân các nước, GS. Hoàng Minh Giám đồng thời là Phó Tổng thư ký Đảng xã hội Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều người cho rằng ông Giám cần giữ vị trí như vậy để hoạt động ngoại giao thì sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đất nước hơn.

Với tri thức uyên bác, lòng yêu nước và kinh nghiệm đối ngoại, ông đã cùng với ngành ngoại giao nước nhà làm tốt chức năng tham mưu, hoàn thành xuất sắc việc thiết lập những mối quan hệ ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam non trẻ với thế giới bên ngoài. Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ chức ban đầu của Bộ Ngoại giao và lãnh đạo công tác đối ngoại ở An toàn khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngoài việc từng bước hoàn chỉnh bộ máy, ông góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cũng như nội dung hoạt động về mọi mặt của cơ quan từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp và đa dạng, làm cơ sở tốt và thuận lợi cho sự phát triển của ngành Ngoại giao giai đoạn kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam sau 1954.

Có thể nói, ông Hoàng Minh Giám là một nhà chính trị nhiều kinh nghiệm đồng thời là một nhà văn hóa tài năng. Đó là lý do sau này, ông giữ cương vị là Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Ông đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng ngành văn hóa cũng như những đường lối phát triển công tác văn hóa của Việt Nam. Thành tích lớn nhất của ông là đã phát huy văn hóa dân tộc, làm cho nó trở thành hoạt động mang tính chất quần chúng.

"Không ai có thể chê trách được Hoàng Minh Giám về ngoại giao và văn hóa". Ông Trịnh Ngọc Thái khẳng định. Liệu chúng ta có cần dành ít phút để suy ngẫm có bao nhiêu nhân vật có được nhận xét tương tự như vậy hay chăng?

Đông Nhi

(theo lời kể của ông Trịnh Ngọc Thái)