![]() |
Tây Ban Nha coi trọng một nền giáo dục toàn diện, cởi mở với thế giới, khuyến khích tư duy phản biện, nuôi dưỡng sự sáng tạo. (Nguồn: BeEasy) |
Cởi mở, quốc tế hóa và gần gũi
Tây Ban Nha vốn là quốc gia có truyền thống lâu đời về giáo dục, nơi triết lý học thuật không chỉ là tiếp thu kiến thức mà còn là nuôi dưỡng tâm hồn. Con người nơi đây coi trọng một nền giáo dục toàn diện, cởi mở với thế giới nhưng vẫn giữ nét đặc trưng: khuyến khích tư duy phản biện, nuôi dưỡng sự sáng tạo. Sinh viên được học trong một môi trường đề cao tính nhân văn, học để hiểu mình – và từ đó hiểu người.
Giáo dục được xây dựng trên nền tảng của sự tự do – cả trong chương trình giảng dạy lẫn trong tư duy đào tạo. Các trường đại học thường xuyên thiết kế các chương trình kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chú trọng trao quyền tự chủ cho sinh viên trong việc lựa chọn môn học, xây dựng lộ trình cá nhân. Điều này tạo điều kiện cho người học phát triển theo đúng năng lực và đam mê, chứ không chỉ “đậu môn, qua lớp”.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác là sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục và đời sống văn hóa – nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà các ngành như du lịch, nhân văn, nghệ thuật, kiến trúc, truyền thông hay nghiên cứu văn hóa tại đây luôn có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế. Sinh viên có thể vừa học lịch sử nghệ thuật tại giảng đường, vừa tận mắt chiêm ngưỡng kiệt tác của Velázquez, Goya hay Picasso trong các viện bảo tàng danh tiếng ở Madrid hay Barcelona.
Bên cạnh đó, tinh thần cộng đồng, sự thân thiện và lối sống mở cũng góp phần tạo nên môi trường học tập dễ chịu, gần gũi. Giáo dục không đặt áp lực nặng nề mà hướng đến sự phát triển bền vững – cả về trí tuệ, tinh thần và kỹ năng sống. Tại xứ sở bò tót, người ta học để trưởng thành, để thấu hiểu, để kết nối với thế giới – một định hướng rất nhân văn trong bối cảnh giáo dục toàn cầu đang ngày càng cần tới những công dân toàn cầu thực thụ.
Ngoài ra, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học châu Âu theo khung Bologna, giúp bằng cấp có tính tương thích cao, được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Với hơn 80 trường đại học công và tư, trong đó có những cơ sở hàng đầu như Đại học Complutense Madrid, Đại học Barcelona, Đại học Autónoma de Madrid…, sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam được tiếp cận hệ thống giáo dục hiện đại, chất lượng cao, đa dạng ngành học và cơ hội học bổng hấp dẫn.
Chính sự hòa quyện giữa học thuật và văn hóa đã làm nên bản sắc riêng của nền giáo dục đất nước đấu bò – một nét hấp dẫn rất khác so với các hệ thống giáo dục lớn khác trên thế giới. Và cũng chính từ những nét “rất Tây Ban Nha” đó, nơi đây trở thành điểm đến được ưa chộng của nhiều sinh viên Việt Nam.
Khi học phí không còn là rào cản
So với nhiều quốc gia châu Âu khác, Tây Ban Nha được đánh giá là một trong những điểm đến du học có chi phí học tập và sinh hoạt ở mức dễ chịu nhất. Học phí tại các trường đại học công lập thường dao động từ 700 đến 2.500 Euro mỗi năm cho bậc cử nhân, và từ 1.000 đến 4.000 Euro cho chương trình thạc sĩ, tùy theo ngành học và khu vực. Đây là mức phí rất cạnh tranh so với các quốc gia như Anh, Pháp hay Đức - nơi học phí cho sinh viên quốc tế có thể cao gấp nhiều lần.
Không chỉ vậy, chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn như Madrid, Barcelona hay Valencia cũng ở mức chấp nhận được, trung bình khoảng 600–900 Euro mỗi tháng..
Với mức chi phí hợp lý, chất lượng đào tạo đảm bảo và môi trường sống năng động, xứ sở bò tót trở thành lựa chọn đầy tiềm năng cho những ai mong muốn theo đuổi con đường học thuật tại châu Âu mà không quá áp lực về tài chính.
![]() |
So với nhiều quốc gia châu Âu khác, Tây Ban Nha có chi phí học tập và sinh hoạt ở mức dễ chịu. (Nguồn: HTL) |
Nơi tri thức dẫn lối và hữu nghị nở hoa
Việt Nam và Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1977, nhưng phải đến những năm đầu thế kỷ XXI, hợp tác giáo dục – đào tạo mới bắt đầu được đẩy mạnh. Đặc biệt, từ sau khi hai nước ký kết Hiệp định Hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học (năm 2004), số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Tây Ban Nha cũng như sinh viên Tây Ban Nha sang Việt Nam học tập và nghiên cứu đã tăng trưởng đáng kể.
Trong đó, Tây Ban Nha hiện là một trong những quốc gia có hàng trăm sinh viên Việt Nam đang theo học. Một số trường đại học lớn như Đại học Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng đã chào đón các sinh viên đến từ xứ sở bò tót theo chương trình trao đổi song phương hoặc học kỳ quốc tế. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học của nước ta, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên trong nước tiếp cận các giá trị học thuật và văn hóa châu Âu.
Một trong những điểm nổi bật trong hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia là sự tham gia tích cực của các trường đại học Việt Nam trong việc trao đổi học thuật. Có thể kể đến như trường Đại học Hà Nội đã phối hợp với Viện Cervantes tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về giảng dạy tiếng Tây Ban Nha, đánh dấu 20 năm giảng dạy ngôn ngữ này tại Việt Nam.
Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Valladolid đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về đào tạo và nghiên cứu. Hai bên triển khai các chương trình đào tạo song bằng thạc sĩ theo mô hình 1+1, trong đó sinh viên học một năm tại nước ta và một năm tại Tây Ban Nha. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học hàng đầu tại Madrid và Barcelona nhằm vào các hoạt động hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên và nghiên cứu khoa học.
![]() |
Đoàn công tác của Trường Đại học Nha Trang tham gia chuyến tập huấn và tìm hiểu thực tế về giáo dục số tại Tây Ban Nha từ ngày 24 đến 28/2. (Nguồn: Đại học Nha Trang) |
Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như AECID và Viện Cervantes đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá tiếng Tây Ban Nha và văn hóa Ibero tại Việt Nam. AECID hỗ trợ các dự án phát triển bền vững, học bổng, giao lưu giáo dục – văn hóa và đào tạo giảng viên ngôn ngữ. Trong khi đó, Viện Cervantes tổ chức các khóa học tiếng Tây Ban Nha, sự kiện văn hóa, học thuật và cung cấp chứng chỉ DELE quốc tế. Những hoạt động này đã giúp tiếng Tây Ban Nha đến gần hơn với người học Việt Nam, đồng thời tăng cường hiểu biết văn hóa giữa hai quốc gia.
Chính những hoạt động này đã góp phần đưa tiếng Tây Ban Nha - ngôn ngữ phổ biến thứ hai thế giới đến gần hơn với giới trẻ Việt Nam, và thúc đẩy sự hiểu biết giữa hai nền văn hóa Á - Âu.
Trong xu thế toàn cầu hóa và đổi mới giáo dục hiện nay, các chương trình trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và Tây Ban Nha không chỉ mở rộng cơ hội học tập, mà còn góp phần tạo nên một thế hệ công dân toàn cầu - hiểu biết, sáng tạo và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
![]()
| Lễ đón chính thức Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez Sáng 9/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez. |
![]()
| Đại sứ Tây Ban Nha: Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pedro Sánchez phản ánh khát vọng phát triển của hai nước trong thế giới biến động Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano De Lasala nhấn mạnh, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro ... |
![]()
| Đêm hòa nhạc kết nối văn hóa Việt Nam và Tây Ban Nha Ngày 30/9, tại Hà Nội sẽ diễn ra đêm hoà nhạc “Melodia de Espana Concerto - Giai điệu Tây Ban Nha” do Học viện Âm ... |
![]()
| Báo Thế giới và Việt Nam thúc đẩy hợp tác với báo chí truyền thông Quảng Tây (Trung Quốc) Chiều 8/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn đã tiếp và làm việc ... |
![]()
| Việt Nam-Tây Ban Nha: Hướng tới Đối tác chiến lược toàn diện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác nhiều mặt với ... |