📞

Triển khai nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Hà Anh 10:01 | 06/07/2023
Du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ cùng lễ kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2023).

Hội nghị nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành du lịch, cùng với kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tại Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 04/7/2023 hướng tới mục tiêu để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn gian - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Quang cảnh Hội nghị ngày 5/7 tại Hà Nội. (Ảnh: Hà Anh)

Nội dung trọng tâm của Nghị quyết 82

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định: "Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là một bước quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với ngành du lịch, sự chủ động, hành động quyết liệt, có trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương cũng như sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao trong việc đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn của cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và toàn thể nhân dân trong cả nước”.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ quán triệt, nắm rõ các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 82/NQ-CP; trên cơ sở đó cùng chung tay đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới để phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Từ đó, toàn ngành phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh phục hồi và phát triển của ngành; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin rằng, du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 82, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với những nội dung trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đặt mục tiêu khai thác nhanh và hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế.

Theo Kế hoạch này, nội dung rất quan trọng là tái cấu trúc, đổi mới mô hình kinh doanh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các hội viên cấu trúc lại bộ máy điều hành gắn liền với chuyển đổi số, cơ cấu lại hệ thống nhân lực theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững.

Cùng với đó là đổi mới mô hình kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái du lịch nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm gắn với thương hiệu của doanh nghiệp.

Cần sự vào cuộc của cả ngành

Trong kế hoạch của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để thực hiện Nghị quyết 82, cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, trong xu thế toàn cầu hiện nay, du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh các loại hình như: du lịch MICE, du lịch thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp; du lịch mua sắm; du lịch ẩm thực; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch nông nghiệp và nông thôn; du lịch mạo hiểm, du lịch thông minh…

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị. .(Ảnh: Văn Phong)

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã trao đổi, thảo luận, xác định các nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Việt Nam trong thời gian tới để phát triển ngành một cách hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hiệp hội du lịch các địa phương cũng thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra cho ngành là “phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”; kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, làm đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam".

Các đại biểu đều đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Cấu trúc lại doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới; đa dạng hóa thị trường du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; tăng cường liên kết trong kinh doanh du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch; phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.