Các thành viên Vinaphunu chụp ảnh lưu niệm trong ngày khai mạc triển lãm(Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Khoảng 60 bức thư pháp mua từ VN đã được bày bán với giá 5-100 euro. Tiền thu được sẽ được Vinaphunu chuyển về ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam. Ngay trong tối khai mạc, đa số tác phẩm đã có chủ nhưng chúng vẫn được lưu lại trong triển lãm đến ngày cuối.
Chị Hoài Thu, chủ nhiệm Vinaphunu, đã quyên tiền các thành viên CLB để thực hiện dự án này. Tết năm ngoái có dịp về thăm VN, chị cùng con gái là Trần Vân Ngọc (Aymi Tran, người vừa cùng bạn trai là Nemanja Vucicevic đoạt giải nhất cuộc thi “Thiết kế mẫu quảng cáo cho báo in” chủ đề về bảo vệ động vật hoang dã do WWF phối hợp với TRAFFIC tổ chức) đã đi rất nhiều nơi từ Hà Nội đến TP.HCM để tìm mua và đặt viết, vẽ những bức thư pháp ưng ý nhất.
Trong lễ khai mạc, sau một số tiết mục văn nghệ mừng xuân do các nghệ sĩ Đức và VN biểu diễn, chị Hoài Thu đã có dịp giới thiệu với khách tham quan về “tranh chữ và ông đồ” mà theo chị: “Cùng với cành đào, bánh chưng thì câu đối, mực tàu, giấy đỏ và ông đồ là những hình ảnh luôn gắn liền với tết trong tâm thức của người VN”.
Vinaphunu thành lập năm 1991, là một đề án lớn nằm trong khuôn khổ CLB châu Á (Asiaticus) dành riêng cho phụ nữ VN, được Bộ Kinh tế - lao động và phụ nữ tiểu bang Berlin ủng hộ và tài trợ.
Vinaphunu có những hoạt động rất đa dạng cả về thể loại và nội dung như tư vấn các vấn đề xã hội và cuộc sống thường nhật (hôn nhân, gia đình, giáo dục con cái, công việc, nhà cửa, thất nghiệp...), tư vấn pháp luật, dạy tiếng Đức cho phụ nữ gốc Việt, tiếng Việt cho các cháu thiếu niên, tổ chức các hoạt động văn hóa, hội nhập hết sức phong phú, có tác dụng nâng cao tầm nhận thức và kiến thức của phụ nữ VN tại xứ người...
Hoạt động hoàn toàn miễn phí, Vinaphunu nhiều lần được nhà nước Đức tưởng thưởng vì những đóng góp lớn lao đối với xã hội Đức trong quá trình hội nhập đầy khó khăn của người Việt tại Berlin sau khi bức tường ngăn cách đông - tây sụp đổ.
Chị Hoài Thu - sáng lập CLB, đồng thời là người khởi thảo, duy trì và phát triển không ngừng đề án Vinaphunu trong gần 20 năm nay - cũng đã được nhà nước Đức ghi nhận công trạng với những giải thưởng lớn như “Người phụ nữ Berlin” (năm 1999), hay Huân hiệu huân chương công trạng CHLB Đức (năm 2001, phần thưởng cao quý nhất dành cho những người có công lao lớn đối với nền văn hóa và sự hội nhập của xã hội Đức).Theo Tuổi Trẻ