Ngày 1/3, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo về Chương trình Triển lãm thời trang với chủ đề “50+ - The great industry game” (tạm dịch: 50+ - Cuộc chơi của ngành công nghiệp lớn), nhân Ngày thiết kế Italy tại Hà Nội.
Tham dự buổi họp báo có bà Cecillia Piccioni - Đại sứ Italy tại Việt Nam và bà Barbara Trebitsch - nhà thiết kế nổi tiếng của Italy.
"Ngày thiết kế Italy” là một sáng kiến của Bộ Ngoại giao Italy, lần đầu tiên được tổ chức tại nhiều nước trên thế giới. Hà Nội được lựa chọn là một trong các thành phố trên thế giới có “đại sứ của thiết kế Italy”. Cùng với Hà Nội còn có Washington, New York, Matxcova, Tokyo… cũng được lựa chọn tổ chức sự kiện này.
Tại triển lãm sẽ trưng bày 50 tác phẩm nghệ thuật, những mẫu thiết kế, thể hiện sự phát triển qua nhiều thời kỳ của Italy, thể hiện nhiều phong cách tiêu biểu, đặc biệt là phong cách thiết kế châu Âu. Các mẫu thiết kế tên tuổi của các hãng Italy gần gũi với Việt Nam như: Piaggio, Ariston, Carvico và CAE…
(Từ trái sang phải) Nhà thiết kế Barbara Trebitsch, Đại sứ Italy Cecillia Piccioni và ông Nicolo Costantini - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Italy tại Hà Nội, tại cuộc họp báo. (Ảnh: MH) |
Chia sẻ tại buổi họp báo bà Cecillia Piccioni cho rằng, sự kiện là cơ hội gặp gỡ và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế. "Tôi thích áo dài của Việt Nam - trang phục này rất nữ tính, đáng yêu. Nhưng cái khái niệm áo dài phải phát triển lên, để làm sao phù hợp không chỉ những người phụ nữ hiện đại mà còn theo phong cách khác, nền văn hóa khác nếu chúng ta muốn đưa áo dài sang thị trường khác. Ví dụ, tôi nói áo dài rất hợp với giày búp bê thì ai cũng sửng sốt bởi vì chúng ta quan niệm đi áo dài phải đi giày cao gót. Nhưng tôi thấy áo dài đi với giày búp bê hợp hơn thì tôi tiếp tục mặc áo dài đi với giày búp bê. Chính vì thế, khi các bạn muốn đưa một sản phẩm thời trang ra thị trường nước ngoài thì cũng phải hiểu và làm sao để phù hợp với những khái niệm rộng hơn".
Trong khi đó, nhà thiết kế Barbara Trebitsch cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, các nhà thiết kế Việt Nam cần thoát khỏi tư duy truyền thống. "Các nhà thiết kế cần phải có ý tưởng riêng của mình”, bà nói.
Theo bà Barbara, để phát triển như nền công nghiệp thời trang có có tư duy ngay từ văn hóa tư tưởng ảnh hưởng đến thiết kế. Người Italy khi đi ra đường luôn băn khoăn xem liệu túi xách có phù hợp với giày không hay trông mình ăn vận đã tươm tất chưa… Khả năng thay đổi, sáng tạo của người Italy là rất cao. Không ngủ quên trong di sản, không tự mãn, tự huyễn hoặc… là những điểm mạnh trong những NTK của Italy, bà nói.