Chuyên gia Baur cho biết, nền kinh tế toàn cầu ngày nay – lần đầu tiên kể từ cuộc Đại Suy thoái năm 2008 – đang trên đà đi lên khá đồng đều. Có thể nói thế giới đang chứng kiến sự tăng trưởng bền vững ở khắp mọi nơi.
Bob Baur thuộc quỹ đầu tư Principal Global Investors. |
Châu Âu hiện nay dường như đang trên đà đi lên rất mạnh mẽ. Kinh tế Nhật Bản thoát khỏi cảnh trì trệ, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ổn định ở mức nhanh. Các nền kinh tế khác như Canada và Australia cũng được đánh giá là vận hành tốt.
Trước đó, suốt từ mùa Hè 2007 đến Hè năm ngoái, thế giới liên tục chứng kiến một loạt khủng hoảng tài chính, không ở nơi này thì là nơi khác. Cuộc khủng hoảng đầu tiên khởi nguồn từ Mỹ vào năm 2008 và một phần của năm 2009, sau đó tới châu Âu hứng chịu khủng hoảng suốt ba năm 2011-2013. Vào năm 2015, Trung Quốc chứng kiến thị trường chứng khoán “rơi tự do”. Nền kinh tế thế giới trong thời gian đó tăng trưởng ở tốc độ “rất rất chậm” hoặc giảm tốc, tùy thuộc tình hình mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Baur, thời kỳ khó khăn ấy dường như sắp kết thúc. Kinh tế toàn cầu đang dần thoát khỏi gần 10 năm bất ổn, hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ đã phục hồi, với các báo cáo lợi nhuận trong quý I vừa qua được đánh giá là “khá mạnh”.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như các ngân hàng trung ương khác hướng tới việc rút lại một số biện pháp kích thích kinh tế thông qua tăng lãi suất không phải là một điều đáng lo ngại. Bởi theo ông Baur, một khi kinh tế toàn cầu trong đà đi lên đồng bộ, việc các ngân hàng đầu chủ chốt dần bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp kích thích là điều hợp lý.
Trong tương lai xa hơn, chuyên gia của Principal Global Investors dự đoán, lãi suất toàn cầu có thể sẽ đối mặt với sức ép đi lên. Điều này, nếu xảy ra, có thể dẫn đến sự điều chỉnh trên thị trường chứng khoán. Một phần nguyên nhân dẫn tới việc chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh là lãi suất ở mức siêu thấp. Tuy nhiên, nếu lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm bất ngờ tăng lên mức 3% hoặc cao hơn, điều này có thể khiến các nhà đầu tư suy tính lại hình thức đầu tư.