WHO đã xếp Omicron vào nhóm "biến thể gây bệnh Covid-19 đáng lo ngại" chỉ vài ngày sau khi biến thể này được ghi nhận lần đầu tiên ở Nam châu Phi. (Nguồn: Metro) |
Tín hiệu khả quan
Ngày 1/12, Viện quốc gia về Bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) cho biết, dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron chỉ né một phần miễn dịch và ảnh hưởng không đáng kể đến hiệu quả của vaccine Covid-19.
Theo bác sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, cho đến hiện tại, những bệnh nhân đã được tiêm chủng vacicne Covid-19 bị nhiễm biến thể Omicron đều không có biến chứng gì, hầu hết họ được điều trị tại nhà và không cần nhập viện.
Các bác sĩ khác ở Nam Phi cũng cho hay, những bệnh nhân đã được tiêm chủng mắc biến thể Omicron chỉ có các triệu chứng nhẹ đến trung bình. Trong số những người bệnh nặng phải nhập viện có khoảng 90% là chưa được tiêm chủng.
Bác sĩ Angelique Coetzee là một trong những bác sĩ đầu tiên ở Nam Phi phát hiện ra biến thể Omicron khi nhận thấy các bệnh nhân đến khám có các triệu chứng bệnh khác với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Sau khi thăm khám cho người bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, bác sĩ Angelique Coetzee đã báo cáo các trường hợp bệnh lý khác lạ này cho cơ quan y tế Nam Phi.
Triệu chứng phổ biến khi nhiễm Omicron
Hiện số ca Covid-19 ở Nam Phi đang tăng nhanh nhưng phần lớn là người có triệu chứng nhẹ. Nói về triệu chứng ở người nhiễm Omicron, bà Angelique Coetzee cho biết, nó rất khác với triệu chứng ở người nhiễm biến chủng Delta.
Người nhiễm Omicron có triệu chứng rất mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, chóng mặt hoặc ho, nhưng không ai bị mất vị giác hay khứu giác.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên biến thể mới của SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu ở Nam Phi là Omicron, đồng thời xếp Omicron vào danh sách biến thể đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Delta.
Tại cuộc họp báo ngày 1/12, Tiến sĩ Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO, cho biết, những người nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng không giống nhau, nhưng nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ và tin rằng vaccine có thể bảo vệ người bệnh diễn tiến nặng.
Phó chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi Mvuyisi Mzukwa cũng cho hay, bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron chủ yếu là người trẻ và mắc bệnh nhẹ. Hiện nay Nam Phi vẫn đang thu thập thông tin về sự lan truyền của Omicron.
Các ca bệnh chủ yếu là những người trẻ tuổi, vì vậy các quan chức y tế vẫn chưa chắc chắn liệu biến thể này có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi hay không. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến biến chủng này.
Biến thể Omicron có nhiều đột biến, lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và hiện đã lây lan sang ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ và Hàn Quốc là hai quốc gia mới nhất ghi nhận ca nhiễm Omicron là người có lịch sử đi lại châu Phi gần đây và đều có triệu chứng nhẹ.
Có thể phát hiện thông qua xét nghiệm bằng phương pháp PCR
Khi phát hiện biến chủng Omicron hồi tháng 11, các nhân viên phòng xét nghiệm ở Nam Phi phát hiện sự kỳ lạ ở nhiều mẫu xét nghiệm Covid-19 PCR.
Có thể phát hiện biến thể Omicron thông qua xét nghiệm bằng phương pháp PCR. (Nguồn: Getty Images) |
Sau khi tiến hành giải trình tự gen, các chuyên gia nhận thấy các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 mới có điểm chung là chứa nhiều đột biến. Họ cũng phát hiện ra một điều là gen S - một gen mục tiêu để xác định mẫu bệnh phẩm có nhiễm SARS-CoV-2 hay không - biến mất. Đây là một trong những đột biến mà sau này các nhà khoa học dùng để phân biệt biến chủng Omicron với biến chủng Delta.
Thông thường, SARS-CoV-2 bao gồm 4 gen là N, S, E và ORF. Xét nghiệm PCR hoàn chỉnh có thể chỉ ra toàn bộ những gen này, nhưng trong các mẫu thử của Nam Phi, các nhà khoa học phát hiện gen S đã biến mất, có thể do virus đột biến.
Thông qua nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi, WHO cho biết, các quốc gia có thể sử dụng xét nghiệm PCR để tìm ra những mẫu virus thiếu gen S, từ đó phát hiện biến chủng Omicron mà không cần giải trình tự. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực để phát hiện Omicron ở các điểm nóng.
Mặc dù hiện tại không phải bộ công cụ xét nghiệm PCR nào cũng có thể xác định được Omicron, nhưng với phát hiện trên, trong thời gian tới, bộ xét nghiệm như vậy sẽ trở nên phổ biến hơn.
Omicron có thực sự "nguy hiểm"?
Các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua nghiên cứu khả năng lây lan, mức độ gây bệnh nặng, khả năng trốn tránh vaccine của biến thể Omicron.
Kết quả một số nghiên cứu dự kiến được công bố trong vòng 2 tuần tới. Tuy nhiên, để chắc chắn về mức độ hiệu quả của vaccine chống lại biến thể mới có thể mất nhiều thời gian hơn.
Trước tình hình đó, giới chuyên gia cảnh báo, vẫn còn quá sớm để khẳng định khả năng lây lan hay mức độ nghiêm trọng của Omicron.
Trong một kịch bản tích cực, nếu Omicron có lây lan nhanh hơn nhưng độc lực giảm, nó có thể sớm trở thành biến chủng trội toàn cầu, thay thế Delta và Covid-19 sẽ không gây mối đe dọa lớn như hiện nay khi độ phủ vaccine toàn cầu tăng lên.
| Covid-19: Trung Quốc phát hiện chìa khóa 'hóa giải' đại dịch? Hãng tin RT của Nga đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố phân lập được một loại kháng thể có thể ngăn ... |
| BIT225 - Ứng viên mới trên 'đường đua' thuốc điều trị Covid-19 BIT225 là thuốc kháng virus của Australia được dùng bằng đường uống, có hiệu quả cao làm giảm đáng kể tải lượng virus ở trong ... |