📞

Triều Tiên chuẩn bị cả khả năng 'đối đầu' lẫn 'đối thoại' với Mỹ

AT. 11:43 | 20/06/2021
Ông Kim Jong-un đã ra lệnh cho chính phủ của ông chuẩn bị cho cả khả năng đối thoại lẫn đối đầu với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden - nhưng "đối đầu sẽ nhiều hơn".
Triều Tiên chuẩn bị cả khả năng 'đối đầu' lẫn 'đối thoại' với Mỹ. (Nguồn: AP, KCNA)

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ và các nước khác thúc giục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và quay trở lại bàn đàm phán.

Theo nhận định của một số chuyên gia, tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho thấy nhiều khả năng ông sẽ tăng cường sức mạnh cho kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và gia tăng áp lực buộc Washington từ bỏ điều mà Bình Nhưỡng coi là chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên, mặc dù ông cũng sẽ chuẩn bị cho việc nối lại các cuộc đàm phán.

Theo KCNA, tại Hội nghị toàn thế Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 17/6, ông Kim Jong-un đã phân tích chi tiết các xu hướng chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden và làm rõ các bước cần thực hiện trong quan hệ (của Bình Nhưỡng) với Washington.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị cho cả đối thoại và đối đầu, đặc biệt là chuẩn bị đầy đủ cho cuộc đối đầu nhằm bảo vệ phẩm giá của "nhà nước chúng ta cũng như các lợi ích đối với việc phát triển độc lập và đảm bảo một cách đáng tin cậy môi trường hòa bình và an ninh của nhà nước chúng ta".

Đây là phản ứng đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên về chính sách của tân tổng thống Mỹ đối với Bình Nhưỡng.

Ông Biden không loại trừ khả năng gặp ông Kim Jong-un nhưng nhấn mạnh rằng ông chỉ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên khi nhân vật này đưa ra những cam kết rõ ràng về hồ sơ hạt nhân. Chính quyền Biden đã nỗ lực xây dựng một cách tiếp cận mới đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cho biết cách tiếp cận này "đã được hiệu chỉnh và thực tế".

Thông tin chi tiết về chính sách đối với Triều Tiên của ông vẫn chưa được công bố, nhưng các quan chức Mỹ cho rằng Tổng thống Biden sẽ tìm kiếm một điểm trung gian giữa các cuộc gặp trực tiếp của cựu Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong -un và "sự kiên nhẫn chiến lược" của cựu Tổng thống Barack Obama để kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Kwak Gil Sup - người đứng đầu Trung tâm Một Hàn Quốc, một trang web chuyên về các vấn đề Triều Tiên - đã viết trên Facebook rằng tuyên bố của Chủ tịch Kim Jong-un cho thấy ông đang thực hiện một cách tiếp cận hai chiều là tăng cường khả năng quân sự và chuẩn bị cho các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, ông cho rằng nhiều khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ tập trung vào việc tăng cường sức mạnh quân sự và lặp lại yêu cầu của ông đối với Mỹ là Washington phải thu hồi các chính sách thù địch, thay vì vội vàng quay lại đàm phán.

Nhà phân tích Cheong Seong-Chang, làm việc tại Viện Sejong ở Hàn Quốc, cho rằng nhiều khả năng Triều Tiên vẫn sẽ quay lại bàn đàm phán nhưng sẽ không chấp nhận lời kêu gọi phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay lập tức.

Theo ông này, Triều Tiên có thể đồng ý với đề xuất đóng băng chương trình nguyên tử và cắt giảm một phần kho vũ khí hạt nhân theo từng bước nếu chính quyền Biden nới lỏng các lệnh trừng phạt và đình chỉ các cuộc tập trận quân sự thường xuyên với Hàn Quốc.

Cha Duck Chul, Phó phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết bộ này đang theo dõi chặt chẽ cuộc họp chính trị đang diễn ra ở Triều Tiên và muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng cách tốt nhất để đạt được hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên là thông qua đối thoại.

Trong khi đó, Leif-Eric Easley - Phó Giáo sư chuyên nghiên cứu về quốc tế của trường Đại học nữ Ewha ở Seoul, muốn tiến hành “ngoại giao từng bước”. Ông nói: “Chính quyền Biden không đưa ra một lộ trình chi tiết vì họ muốn có sự linh hoạt để Bình Nhưỡng chọn thời điểm và địa điểm để có thể đạt được tiến bộ.

Trong khi đó, Washington sẽ tăng cường khả năng răn đe bằng cách phối hợp các chiến lược, huấn luyện quân sự và phòng thủ tên lửa với đồng minh. Mặc dù một số người có thể coi phát biểu mới nhất của ông Kim Jong-un mang hàm ý "Triều Tiên đang mở cửa cho đối thoại", song thực tế là nước này vẫn không bày tỏ thiện chí đối với các cuộc đàm phán về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.

"Triều Tiên vẫn tập trung vào các vấn đề trong nước và muốn có những 'ưu đãi' hơn từ Washington. Bình Nhưỡng chỉ có thể trở lại đàm phán sau khi đã chứng tỏ được sức mạnh bằng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và các vụ thử mang tính khiêu khích”, nhà nghiên cứu này nói.

(theo npr.org/AFP)