Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày 19/6 ở Bình Nhưỡng. (Nguồn: KCNA) |
Ngày 12/11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nước này đã phê chuẩn Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Triều Tiên-Nga thành sắc lệnh của Chủ tịch nước vào trước đó một ngày.
Theo KCNA, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết hiệp ước trên tại Bình Nhưỡng vào ngày 19/6/2024 và có hiệu lực từ ngày hai bên trao đổi văn kiện phê chuẩn.
Trước đó, ngày 6/11, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua luật phê chuẩn hiệp ước trên, sau khi Duma quốc gia (Hạ viện) phê chuẩn hôm 24/10. Tối 9/11, Tổng thống Putin đã chính thức ký phê chuẩn hiệp ước lịch sử trên.
Theo các tài liệu kèm theo luật mới, việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Triều Tiên là vì lợi ích cơ bản của người dân hai nước và góp phần vào hòa bình, an ninh và ổn định khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt, hiệp ước quy định rằng, trong trường hợp có nguy cơ về một hành động xâm lược vũ trang chống lại một trong hai bên, Moscow và Bình Nhưỡng sẽ tổ chức tham vấn để phối hợp quan điểm của mình và thống nhất các biện pháp khả thi để hỗ trợ lẫn nhau.
Cụ thể, “nếu một trong hai bên bị một quốc gia hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật quốc gia của mình”.
Đồng thời, Liên bang Nga và CHDCND Triều Tiên cam kết không ký kết các thỏa thuận với quốc gia thứ ba nhằm chống lại bên còn lại, đồng thời không cho phép quốc gia thứ ba sử dụng lãnh thổ của mình để vi phạm chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của bên kia.
Thỏa thuận bao gồm các điều khoản liên quan hợp tác thiết lập trật tự thế giới mới đa cực công bằng và tạo ra các cơ chế cho các hoạt động chung nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các bên.
Hai nước nhất trí hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, du lịch, bảo vệ môi trường, phòng chống và cứu trợ thiên tai.
Thêm vào đó, các bên sẽ hỗ trợ phát triển hợp tác liên khu vực và xuyên biên giới, tăng cường liên hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, đồng thời hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế cũng như các thách thức và mối đe dọa khác.
Điều 16 của Hiệp ước quy định nghĩa vụ của các bên trong việc chống lại việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế đơn phương mà việc áp dụng các biện pháp đó được coi là bất hợp pháp hoặc trái với Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế. Hiệp ước có hiệu lực kể từ ngày hai bên trao đổi văn kiện đã phê chuẩn.
Động thái của Moscow và Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc Triều Tiên điều quân tới Nga tham gia xung đột.
Trước đó, tại Duma, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết, Hiệp ước ký kết trong bối cảnh thay đổi cơ bản tình hình địa chính trị trong khu vực, gia tăng căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xuất hiện các liên minh quân sự, xuất hiện các hệ thống tên lửa của nước ngoài trong khu vực đe dọa an ninh của Nga.
Theo ông, hiệp ước có nhiệm vụ đóng vai trò ổn định ở Đông Bắc Á, đóng góp tích cực vào cân bằng lực lượng trong khu vực trên cơ sở an ninh không chia cắt, giảm nguy cơ tái diễn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có thể có sử dụng vũ khí hạt nhân, đặt cơ sở xây dựng hê thống an ninh Á-Âu mới.
Ông nhấn mạnh Hiệp ước không nhằm chống lại an ninh của các bên thứ ba và chỉ mang tính chất phòng thủ.