Theo những nguồn tin này, yêu cầu trên được phía Triều Tiên đưa ra trong các cuộc đàm phán kín về vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc trong thập niên 70-80. Đây được xem như những điều kiện để nối lại công tác điều tra về số phận các nạn nhân.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Nhật Bản có đáp ứng yêu cầu của Triều Tiên hay không bởi Tokyo vẫn đang tìm kiếm một giải pháp toàn diện có thể giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc cũng như chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Vấn đề gây mâu thuẫn giữa hai nước này đã không có tiến triển gì kể từ năm 2016 khi Triều Tiên giải tán cơ quan điều tra số phận các nạn nhân để đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Nhật Bản áp đặt sau hàng loạt các chương trình thử hạt nhân và tên lửa mà Bình Nhưỡng thực hiện.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp lãnh đạo một nhóm đại diện cho những gia đình bị bắt cóc, tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo vào ngày 14/6. (Nguồn: Kyodo) |
Cơ quan điều tra này được thành lập theo thỏa thuận hai bên đạt được tại Stockholm (Thụy Điển) hồi năm 2014.
Tại các cuộc đàm phán kín sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng Tư vừa qua, Bình Nhưỡng khẳng định thỏa thuận này vẫn có hiệu lực và Triều Tiên chỉ giải tán cơ quan điều tra sau khi Nhật Bản áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế từ tháng 2/2016.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ những ý kiến cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mềm mỏng hơn trong vấn đề Triều Tiên, trong bối cảnh Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng để thảo luận về vấn đề hạt nhân.
Phát biểu với các phóng viên tháp tùng Ngoại trưởng Pompeo trong chuyến đi, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định lập trường của Mỹ chưa hề thay đổi. Theo bà Nauert, Mỹ “cam kết với mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên”.
Dự kiến, Ngoại trưởng Pompeo sẽ hối thúc Bình Nhưỡng có những bước đi rõ rệt để chứng tỏ cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên, vốn được đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump hồi tháng Sáu vừa qua.